Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cho phép Hà Nội được tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng của chính quyền tại các quận nội thành

Trong khi Hà Nội vẫn còn tới 174 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo chưa xử lý được, thì mới đây, kết quả giám sát của HĐND thành phố cho biết, lại phát sinh thêm 442 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến đường mới mở như Kim Mã - Trần Phú, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, đường Thanh Nhàn, đường Nguyễn Văn Huyên.

Câu hỏi đặt ra là vì sao chính quyền thành phố Hà Nội đã nhiều lần quyết tâm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng loại nhà này không những không giảm mà vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí còn không ngừng mọc lên, làm mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc trong dư luận.

Một ngôi nhà có cạnh chỉ mấy chục cm được xây 2 tầng trên đường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Việc Hà Nội có tới hơn 400 nhà siêu mỏng, siêu méo mới phát sinh khiến bài toán xử lý loại nhà làm mất mỹ quan đô thị này càng thêm khó giải quyết. Bởi, 192 trường hợp siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ trước năm 2005, đến nay mới chỉ xử lý được 18 trường hợp. Vẫn còn 174 nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại trên địa bàn 7 quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Tây Hồ, thách thức các nhà quản lý.

Vậy khi tổng số nhà siêu mỏng, siêu méo lên tới hơn 600 như hiện nay, thì các nhà chức trách có giải pháp gì để giải quyết? Còn người dân, mỗi khi đi qua những tuyến phố mới mở, bên cạnh niềm vui vì có con đường rộng rãi, vẫn xót xa vì cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn của những ngôi nhà “mặt tiền” nhưng lại mỏng, méo và siêu vẹo đủ kiểu hình khối.

Ông Nguyễn Minh Chiến, ở phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng cho biết, tranh thủ lúc làm đường, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đã được gấp rút xây dựng, đến khi đường xong thì nhà cũng đã kiên cố: “Những căn nhà siêu mỏng, siêu méo này làm cho cả một con đường trông rất nhếch nhác, rất mất mỹ quan đô thị. Tôi cũng không hiểu vì sao những căn nhà như thế này có thể tồn tại đến bây giờ. Nhà thì rất mỏng lại còn xây đến 2-3 tầng, ai có thể biết được là nó có thể sập bất cứ lúc nào”.

Hơn 400 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo phát sinh đều nằm trên các tuyến đường mới mở. Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ ra nguyên nhân của việc không xử lý được dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo là do nhiều đơn vị lúng túng trong quản lý, sử dụng diện tích đất sau thu hồi vào mục đích công cộng, chậm thực hiện giải pháp ưu tiên hợp thửa, hợp khối.

Mặt khác, trên địa bàn một số quận vẫn để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép, lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, chưa được các cấp chính quyền xử lý kịp thời, dứt điểm.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng thừa nhận, thực tế là còn giải phóng mặt bằng như hiện nay thì sẽ còn nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong hệ thống văn bản hiện hành, khái niệm nhà siêu mỏng, siêu méo cũng chưa thực sự rõ ràng, mà chỉ có “nhà đất không đủ điều kiện để xây dựng”.

Khi vận động người dân hợp thửa, hợp khối, lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn bởi hộ phía ngoài mặt đường muốn bán lại giá cao, còn hộ phía trong chỉ muốn mua lại phần đất bị cắt xén với giá thấp: “Đúng là giải quyết triệt để siêu mỏng, siêu méo quá khó. Khó ở đây là cơ chế chính sách, khó ở đây là ý thức của người dân. Để giải quyết thì về cơ chế chính sách, thì khi giải phóng mặt bằng, diện tích còn lại nếu không đủ điều kiện xây dựng thì thu hồi luôn, sẽ không có nhà siêu mỏng, siêu méo. Thứ 2 là để người dân hợp thửa hợp khối, nếu các hộ tự hợp thửa với nhau thì giá thế nào, còn nếu cơ quan chức năng tuyên truyền vận động mà không chấp hành thì phải có chế tài và giá thu hồi là bao nhiêu với diện tích hợp thửa đó thì mới tháo gỡ được”.

Nhận định về thực tế này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và quản lý đô thị Việt Nam cho rằng, việc chậm xử lý và để nhà siêu mỏng, siêu méo tiếp tục xuất hiện là do thiếu tầm nhìn và buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền Hà Nội. Thêm hơn 400 nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện, Hà Nội lại đi trên vết xe đổ cũ, khi mở đường vẫn chỉ biết làm đường mà không chú ý đến kiến trúc 2 bên tuyến phố. Trình độ quản lý của cấp cơ sở, nhất là cấp phường, vẫn còn nhiều vấn đề, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị.

Những ngôi nhà kiểu siêu mỏng, siêu méo đang làm xấu bộ mặt nhiều tuyến đường mới mở của Hà Nội

Theo ông Trần Ngọc Chính, để không còn tái diễn việc này, thì trước khi mở một tuyến đường, phải có quy hoạch rõ ràng, đồng bộ cho cả 2 bên tuyến phố, đưa ra được giải pháp kiến trúc cụ thể và có chế tài đối với những người dân cố tình vi phạm, cũng như lực lượng chức năng không làm tốt việc quản lý: “Vấn đề ở đây là nói thì phải làm. Trước hết là quy hoạch đã. Đối với những khu vực mở rộng đường phố, trong quy hoạch phải có việc chỉnh trang đường phố. Quy hoạch đã có thì phải có điều lệ, chế tài để thực hiện, nguồn vốn từ đâu. Nguồn vốn là phải từ đất, vì khi mở đường thì giá trị đất rất cao. Nếu người dân chỉ còn có 5-7 m2 thì Nhà nước có thể mua lại, kết hợp với các hộ dân bên trong để xây dựng dự án chung cư hoặc tái định cư cho người dân. Những việc đấy đều có thể làm được, nhưng phải điều tra, khảo sát, đo đạc, tính toán rất kỹ, đưa ra chương trình cải tạo, xây dựng và có chế tài để thực hiện”.

Sau đợt giám sát, thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cho phép Hà Nội được tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng của chính quyền tại các quận nội thành. Rõ ràng, bên cạnh yêu cầu đổi mới trong quản lý, đã đến lúc chính quyền thành phố Hà Nội cần vào cuộc thực sự, đầu tư để tìm giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề, chứ không thể cứ để nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên mới đi lo xử lý như hiện nay./.

Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.