Kỳ 1: Ngẫu hứng… cốt nền? Theo ông Lê Vinh - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, hiện nay Hà Nội căn cứ vào cao độ của hồ Yên Sở và 4 con sông chính (sông Hồng, sông Nhuệ, sông Lừ và sông Kim Ngưu) để tính cốt cao độ nền (cốt nền). Từng khu vực của TP có hệ thống cốt nền riêng được xác định trong đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, từ quy hoạch đến thực tế còn nhiều điều đáng bàn.

Hà Nội lúng túng cốt nền đô thị mới

Ảnh minh họa

Cũ - mới vênh nhau, dân chịu khổ

Theo thống kê trên địa bàn TP Hà Nội có 800 dự án với diện tích khoảng 75.189 ha, trong đó 390 dự án là khu đô thị mới (KĐTM), khu nhà ở hỗn hợp (tương đương khoảng 39 nghìn ha). Sự chênh lệch cốt nền giữa KĐT cũ - mới đang là vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Nằm sát KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì, cứ mỗi mùa mưa, người dân thôn Đình Thôn, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội lại nhiều phen khốn đốn, đường làng thành “sông”, người xe bì bõm. Cốt nền xây dựng trong thôn vốn thấp hơn cốt nền của KĐTM Mỹ Đình - Mễ Trì và thấp hơn cốt đường Phạm Hùng nên mưa to là nước không thoát, thậm chí nước mặt còn chảy ngược lại… Không chịu được cảnh sống chung với nước mỗi khi mưa ngập, người dân trong làng thi nhau tôn nền, nâng ngõ, nâng đường vào thôn. Điệp khúc nâng nền, tôn đường cứ lặp lại không hồi kết, nhà nọ tôn nền, nhà kia tôn nền, cứ thế câu chuyện ngập thì nâng, nâng xong lại ngập, ngập rồi lại nâng trở thành vòng tròn không lối thoát.

Bà Phạm Thị Lan 80 tuổi ở đội 8 Đình Thôn cho biết: Đất ven làng xưa là ruộng lúa trũng, ao rau muống xanh tốt. Cứ mỗi lần mưa nước thoát ra đó, làng khô ráo lắm. Nhưng bây giờ, người ta đã xây KĐTM, ruộng ao xưa không còn, nền KĐT được tôn cao và mỗi lần mưa, nước không thoát kịp, đường làng thành “sông” là chuyện đương nhiên.

Anh Nguyễn Thái Tuấn, nhà sát KĐT Mỹ Đình than phiền: Trước đây nhà tôi cao hơn đường nhưng bây giờ người ta nâng cốt đường, đường cao hơn nhà. Mỗi lần mưa, nước mặt lại chảy dội vào nhà. Không còn cách nào khác, tôi đành “hy sinh” nền nhà, tôn nền cao hơn và đã phải tôn vài lần.

Đồng cảnh ngộ như anh Thái Tuấn, nhiều gia đình cạnh KĐTM Mỗ Lao cũng rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười. Chỉ tay về phía tòa nhà đang xây, bà Bùi Thị Sửu, số nhà 116 đường Nguyễn Văn Trỗi nhấn mạnh: Khi xây KĐTM, làm đường, nền KĐT và nền đường cao hơn nền nhà dân, chúng tôi phải tự nâng nền nhà cao lên và thực tế mạnh ai nấy làm. Rồi bà kể: Nhà bà xây dựng cách đây 20 năm, khi đó nền nhà được làm cốt khá cao, với 3 bậc tam cấp. Chỉ vào bậc tam cấp cũ, bà nói: 3 lần người ta làm và nâng cao đường thì nhà tôi phải 2 lần nâng cao nền nhà.

Đứng ở đường Nguyễn Văn Trỗi quan sát thấy rất rõ, vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi bên cao - bên thấp, nền KĐTM cao hơn hẳn nhà dân lân cận và cốt nền của KĐT đã được chủ đầu tư tôn cao. “Họ đã làm cống thoát nước quang KĐT nhưng cống nhỏ, hẹp”, bà Sửu cho hay.

Theo quan sát của phóng viên, cống thoát nước mưa của KĐTM Mỗ Lao phía đường Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng khá nhỏ, chiều cao khoảng 50 - 70cm, chiều rộng 30 - 40cm. Trong cống bồi lắng nhiều đất cát và cả rác nên thoát nước kém. Tận dụng lợi thế gần sông Nhuệ, nước mặt trong KĐT và làng Mỗ Lao được tiêu thoát khá tốt ra sông Nhuệ, dù mưa bình thường không bị ngập nhưng một phần nước mặt vẫn chảy về phía nhà dân do chênh cốt.

Sống mặt phố cũng khổ vì … nâng cốt đường

Sống ở nhà mặt phố dù tiện kinh doanh buôn bán nhưng chị Hà Thị Thu ở Cầu Diễn vẫn không khỏi ngậm ngùi: Sau khi đường 32 mới được xây dựng, nhà chị bỗng thấp hơn mặt đường mới. Và giải pháp để “hóa giải” là nâng nền nhà.

Không phải làm đường mới, nhưng gia đình anh Bùi Quốc Anh cũng phải nâng nền nhà do đường sửa nhiều lần, trải thêm nhựa mới trên lớp cũ. Anh cho biết: Khi xin cấp phép xây nhà, anh chỉ nhận được yêu cầu xây dựng về số tầng, chứ không được cơ quan nào thông báo về độ cao của nền cho đúng quy hoạch. “Căn cứ duy nhất để tôi quyết định lựa chọn cốt nền nhà là phải cao hơn đường và phải cao hơn cốt nền nhà bên đã xây dựng trước”- anh Quốc Anh cho hay.

Như vậy, người dân sống lân cận KĐTM hay dân sống trong phố khi bị nâng đường cũng đều chịu chung nỗi khổ mang tên “ngẫu hứng cốt nền”.

Theo Huyền Vũ (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0