UBND thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với một số dự án bất động sản có vi phạm về quản lý, sử dụng và nợ tiền sử dụng đất.

TSQ Việt Nam nổi tiếng với những dự án "trên giời"

Theo đó, từ ngày 1/4/2014, tùy từng dự án, trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng, nếu các chủ đầu tư không khắc phục sai phạm thì dự án sẽ bị thu hồi.

Danh sách dự án trong diện này gồm: dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị ( HUD) tại Khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm; dự án của Công ty cổ phần Diên Hồng tại Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy; dự án Nhà xưởng chế biến và giới thiệu các sản phẩm cốm vòng của HTX Dịch Vọng tại LôA1-D cụm tiểu thủ công nghiệp vừa nhỏ, phường Dịch Vọng Hậu; dự án Nhà máy sản xuất thẻ thông minh của Công ty Điện tử tin học hóa chất tại Lô B1-F, cụm tiểu thủ CN vừa nhỏ, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy; dự án của Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn; dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ của Công ty TSQ Việt Nam tại Mộ Lao, quận Hà Đông.

Trước đó, giữa tháng 2/2014, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các ngành chức năng thực hiện kiểm tra 727 dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố từ nay đến ngày 31/5/2014 (Kế hoạch số 12/KH – UBND về việc tiến hành). Trong số này, có những dự án chậm tiến độ đã được kiểm tra, rà soát nhiều lần nhưng sau khi kiểm tra, vẫn bất động.

Điển hình tại Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông do Công ty TNHH đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư. Đây là dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2008 với diện tích 16,7 ha trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, ngày 29/9/2011, UBND Thành phố đã có văn bản số 8295/UBND-XD chấp thuận cho phép lập điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Trước đó, tháng 4/2012, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu kiểm tra tiến độ thực hiện dự án này (Kế hoạch số 52/KH – UBND) nhưng đến nay, dự án vẫn án binh bất động.

Việc dự án chậm trễ tiến độ, cơ quan quản lý nhắc nhở và đề nghị xử phạt nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn "bình an vô sự" có thể tìm thấy ở nhiều dự án khác tại Hà Nội. Điển hình cho sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật về đầu tư này có thể kể đến dự án chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam – Booyoung Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại khu đô thị Mỗ Lao – quận Hà Đông. Dù được bàn giao mặt bằng từ lâu và tổ chức khởi công hoành tráng từ đầu năm 2007, nhưng đến này dự án với 6 tòa nhà chung cư cao 30 tầng vẫn bất động. Thậm chí qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư hơn 4,3 ha đất sạch có hạ tầng đã giao cho Công ty Booyoung hiện vẫn chỉ là những khu đất để cỏ mọc hoang. Trong kế hoạch kiểm tra của UBND TP. Hà Nội lần này không có tên Booyoung Vina.

Booyoung Vina với hàng loạt khu đất bỏ hoang tại Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông

Danh sách các công ty có dự án chậm tiến độ một cách “có hệ thống” còn phải kể đến Công ty TNHH TSQ Việt Nam. Dự án “Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây” do TSQ làm chủ đầu tư tại Phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội có quy mô 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm với tổng vốn đầu tư 37,6 triệu USD được cấp phép từ tháng 11/2006 đến nay vẫn là bãi đất hoang. Trong đợt kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài năm 2013, UBND TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra việc thực hiện dự án này nhưng đến nay, dự án vẫn không hề nhúc nhích.

Hay như tại dự án Twin Towers số 1152 – 1154 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội do Công ty Tân Phú Long (với cổ đông chính là Tổng công ty bảo hiểm Quân đội (Mic) và Công ty Handico 6) làm chủ đầu tư được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất từ ngày 4/3/2010. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, đây là công trình gồm tòa tháp với 2 đơn nguyên, cao 30 tầng với 4 tầng hầm, 2 tầng thương mại, và 28 tầng chung cư. Chủ đầu tư cũng đã thông báo mở bán căn hộ dự án Twin Towers, với giá từ 28 - 30 triệu đồng/m2 vào tháng 3/3012. Dự án được giới thiệu hoàn thành vào quý 4/2014 nhưng nay vẫn “án binh bất động”, là chỗ để xe ô tô, cỏ mọc...

Hàng loạt dự án bất động sản khác của Hà Nội cũng được kiểm tra, rà soát trong đợt này như: D’.San Raffles số 22 – 24 Hàng Bài do Công ty cổ phần Thời đại mới T&T thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư; Dự án Tổ hợp công trình tại khu tập thể X1-26 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU); Dự án 97 Láng Hạ (Tòa nhà Petrowaco) Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí làm chủ đầu tư... đều đã được giao đất nhiều năm nhưng việc đầu tư xây dựng vẫn chưa hoàn thành.

Câu hỏi được dư luận đặt ra là với hơn 700 dự án "có vấn đề" trên khắp địa bàn Thành phố, Hà Nội sẽ làm gì để buộc các chủ đầu tư thay đổi tiến độ thực hiện hay chỉ đơn giản là câu chuyện "đến hẹn lại kiểm tra" từ phía chính quyền Thành phố (?)

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.