Sáng 9-5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn TP.

Công tác bàn giao nhà tái định cư cho dân cũng gặp nhiều khó khăn

Tổng diện tích đất dịch vụ đã giao chỉ đạt 6,1%.

Ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội cho hay, trong năm 2013 trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã có 1.086 dự án với tổng diện tích thu đồi là 9.855ha liên quan đến trên 140 nghìn hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.

Tính đến ngày 26-4-2013, TP đã phê duyệt phương án và chi trả hơn 2.100,58 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 7.598 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 955 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở, đã nhận bàn giao mặt bằng 292,89 ha của 40 dự án.

Về quỹ nhà, đất tái định cư trên địa bàn TP, 65 dự án xây dựng quỹ nhà tái định cư đã hoàn thành và đang sử dụng phục vụ bố trí tái định cư với 12.700 căn hộ, trong đó có 11.219 căn hộ đã được sử dụng, 481 căn hộ đang chờ thủ tục để các hộ bốc thăm nhận nhà tái định cư. Dự kiến trong năm 2013 TP sẽ có thêm 2.582 căn hộ nhà tái định cư được hoàn thành.

Theo ông Vũ Văn Hậu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, việc thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn TP năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn.

Tính đến tháng 5-2013, trên địa bàn toàn TP tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi được giao đất dịch vụ 7.735,1ha, tổng nhu cầu đất dịch vụ phải giao là 788,6ha với tổng số hộ có nhu cầu đất dịch vụ là 77.543 hộ.

Trong đó diện tích đất đã có Quyết định thu hồi đạt 65%, diện tích đất đã có quyết định thu hồi đang GPMB đạt 57%, tổng diện tích đất đã xây xong hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 65%, tổng diện tích đất dịch vụ đã giao cho các hộ đạt 6,1%. Số hộ đến nay đã được giao đất dịch vụ đạt 11% số hộ có nhu cầu.

Tính đến thời điểm này chỉ có huyện Đan Phượng là cơ bản giao xong đất dịch vụ cho các hộ dân (khoảng 90%). Một số quận huyện chưa giao được cho hộ nào như Mê Linh, Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh…

Dò dẫm thẩm định giá đất theo thị trường

Theo đại diện các quận, huyện, mỗi địa phương đều có các dự án cần triển khai trong đó có nhiều dự án “nóng” tuy nhiên việc xác định giá đất cho sát giá thị trường theo Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của TP còn nhiều vướng mắc.

Đại diện huyện Thạch Thất cho hay, huyện phải giải phóng mặt bằng (GPMB) 23 dự án với 1.735ha phải thu hồi song công tác triển khai gặp khó khăn. Thí dụ như đối với dự án Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, nguồn vốn dự toán là 6000 tỷ nhưng mới chỉ nhận được 120 tỷ. Đa phần các dự án trên địa bàn huyện đều có diện tích đất ở của dân thuộc diện GPMB, trong khi công tác thẩm định giá sát giá thị trường theo Quyết định số 02 khá lâu nên đề nghị TP cho phép phê duyệt khung giá cũ rồi sau khi TP phê duyệt giá mới, nếu tăng sẽ điều chỉnh cho dân.

Còn theo đại diện huyện Từ Liên nơi có 128 dự án đang triển khai với hai dự án trọng điểm là tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 3, điểm vướng mắc nhất chính là ở việc xác định giá đất sát giá thị trường. Tuy huyện đã gửi chứng thư thẩm định của nhà tư vấn nhưng Sở Tài chính chưa thống nhất.” Nếu cơ quan tư vấn vẫn cương quyết bảo vệ chứng thư thẩm định giá thì Sở tài chính nên báo cáo lại với TP để có phương án giải quyết chứ để đi đi lại lại mất nhiều thời gian”. Đại diện này cũng cho biết thêm.

Tại quận Ba Đình, các dự án cần GPMB đã xác định lộ trình theo Quyết định số 02, mời công ty tài chính độc lập để tư vấn, thẩm định giá nhưng đến nay mới có giá dự thảo, chưa có chứng thư thẩm định chính thức gửi Sở Tài chính.

Bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, các quận huyện cần lưu ý chất lượng, năng lực kết hợp giữa nhà tư vấn và chủ đầu tư và phải họp nghiệm thu thẩm định giá để gắn trách nhiệm của các quận huyện. Vấn đề của huyện Từ Liêm là chất lượng thẩm định giá chưa bảo đảm, nhiều yếu tố chưa thật sự minh bạch, rõ ràng.

Rà soát tất cả dự án

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhận định: Về công tác GPMB, tuy nhiều quận, huyện đã rất nỗ lực song kết quả đạt được vẫn còn thấp.

Ông Khanh đề nghị tất cả các cơ sở phải rà soát lại tất cả các dự án để có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ GPMB, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Về vấn đề chuyển tiếp từ cơ chế cũ sang cơ chế mới khi xác định giá đền bù, các quận huyện thực hiện đúng theo văn bản chỉ đạo của TP, quy định rõ không có quy định hồi tố mà thực hiện từ thời điểm có hiệu lực của Quyết định số 02 của TP, nơi đi (nơi GPMB) và nơi đến (nơi tái định cư) đều áp theo giá thị trường. Nếu là lỗi do cơ quan quản lý nhà nước để nợ dân thì khi nơi đi áp giá theo khung giá cũ thì nơi đến cũng phải vậy.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định rõ, không có khái niệm nhà tái định cư và nhà thương mại mà chỉ khác nhau về cấp độ nhà khi xem xét cấp nhà tái định cư.

Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu “giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại ở cấp cơ sở, tránh tình trạng khiếu kiện đông người gây sức ép đối với TP”.

Ông Khanh cũng nhìn nhận vấn đề đất dịch vụ có thể coi là “nợ quá hạn” của Nhà nước đối với người dân nên trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường cần xem xét quy hoạch để trả lời cho các quận huyện nhằm đẩy nhanh tiến độ giao đất cho dân.

Hương Nguyên (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.