“Trước hết sẽ ưu tiên dành quỹ đất di dời cho các mục tiêu phục vụ dân sinh, xây dựng hạ tầng xã hội. Quỹ đất còn lại sẽ được dành cho phát triển đô thị với dịch vụ văn phòng, nhà ở” – Phó GĐ Sở QHKT Hà Nội cho biết.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở QHKT Hà Nội cho biết, đối với việc di dời các cơ sở bệnh viện, Sở đang phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện các tiêu chí, cơ chế di dời để tiến tới đề xuất danh mục trên cơ sở quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế. Hiện trên địa bàn Hà Nội đã có một số bệnh viện đang thực hiện di dời.

Các cơ sở di dời sẽ ưu tiên cho các mục tiêu dân sinh, hạ tầng xã hội sau đó sẽ dành để phát triển văn phòng, nhà ở. Ảnh minh họa

Với các cơ quan, trụ sở làm việc một số bộ, ngành di dời, đơn vị này cũng đang tổ chức lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Trong thời gian tới Sở sẽ nghiên cứu quy hoạch hệ thống công sở cấp bộ ngành trung ương đang được bộ xây dựng chủ trì nghiên cứu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó Sở QHKT cũng đang xúc tiến di dời, chuyển đổi các cơ sở ô nhiễm, trên cơ sở ưu tiên bố trí các chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khu vực tại các vị trí di dời trong tổng thể các quy hoạch phân khu đô thị.

Mặc dù đã có kế hoạch từ năm 2009, tuy nhiên theo Phó GĐ Sở QHKT Hà Nội Bùi Mạnh Tiến thì công tác di dời các cơ sở công nghiệp nhỏ lẻ “còn chậm” do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoặc nhà đầu tư chưa đồng ý địa điểm di chuyển được giới thiệu…

Dù hơi chậm nhưng kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm trong nội hành vẫn phải được thực hiện căn cứ vào quy hoạch chung.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là thành phố sẽ sử dụng vào mục đích gì trên phần đất sau khi đã được di dời?

“Trước hết sẽ ưu tiên dành quỹ đất di dời cho các mục tiêu phục vụ dân sinh, xây dựng hạ tầng xã hội. Sau khi làm hết các nội dung đó, quỹ đất còn lại sẽ được dành cho phát triển đô thị với các chức năng phục vụ phát triển đô thị, dịch vụ văn phòng, nhà ở”.

Nếu như trong trường hợp xuất hiện các tòa nhà cao tầng tại các cơ sở bị di dời thì áp lực về dân số và giao thông sẽ lại trở thành một thách thức lớn của thủ đô.

Theo đồ án xây dựng khu vực nội thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định dân số sẽ từ 1,2 triệu xuống chỉ còn 800.000 người trong nội đô.

Con số này rất khó khả thi nếu như Hà Nội tiếp tục cho phép xây dựng thêm các tòa nhà tại các điểm di dời, đặc biệt hơn nữa khi Hà Nội đang thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ.

Mặc dù kế hoạch này đang được triển khai rất chậm, gặp nhiều vướng mắc nhưng Sở QHKT Hà Nội cho rằng, kế hoạch này bắt buộc "phải được triển khai". Sở QHKT đang phối hợp cùng Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ việc đầu tư xây dựng nhà chung cư cũ.

Nhưng khi thực hiện chủ trương này sẽ xảy ra mâu thuẫn giữa đầu tư, xây dựng cải thiện chung cư cũ với việc quản lý về dân cư.

“Xây dựng chung cư cũ phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, tạo quỹ nhà để nhà đầu tư khai thác bù đắp nguồn vốn. Dẫn đến quy mô công trình sau khi cải tạo sẽ tăng về chiều cao. Nhưng việc cải tạo xây dựng chung cư cũ là việc phải làm. Vì thế sẽ không thực hiện được chủ trương giảm dân cư theo đồ án quy hoạch chung” – ông Tiến cho hay.

Thành Nam (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.