Đại diện nhiều nhà đầu tư cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng phải dừng dự án chờ quy hoạch, chờ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất. Tình trạng chậm trễ này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của dự án và môi trường đầu tư tại Hà Nội.

Dự án cao ốc quốc tế Hồ Tây “dậm chân tại chỗ” do thi công cạnh khu nhà nguy hiểm 16 Thụy Khuê. Ảnh: Như Ý.

Duyệt dự án nhưng không làm đường vào!

Đại diện dự án khu đô thị sinh thái tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh cho biết, doanh nghiệp này khốn khổ gần chục năm qua do việc không có đường vào. Dự án trước đây được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, doanh nghiệp đã ứng tiền làm đường vào khá tốn kém. Năm 2008 sau khi huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội, quy hoạch bị điều chỉnh dẫn đến tình trạng dự án biến thành bãi đất hoang do không có đường vào, con đường đã làm bị hủy bỏ. “Bao nhiêu công sức tiền của đã đổ vào dự án. Nếu không có đường, dự án sẽ như vùng đất chết”, đại diện nhà đầu tư nói.

Dự án Sông Hồng City cũng thăng trầm không kém, thậm chí còn lập “kỷ lục” về thời gian đình trệ với 21 năm chờ đợi. Dự án tại khu vực ngoài đê sông Hồng, quận Tây Hồ, đã được phê duyệt nhưng sau đó do điều chỉnh quy hoạch, vướng phải quy định của pháp luật về đê điều, bị đình trệ cho đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Tổng Giám đốc Công ty TSQ Việt Nam Đỗ Quân phản ánh tình trạng thiếu trầm trọng hạ tầng internet, cáp truyền hình tại khu đô thị Mỗ Lao quận Hà Đông. Nhiều năm qua, người dân và các nhà đầu tư thứ cấp vào các hạng mục trong khu đô thị này khổ sở vì không có đường truyền thông tin, liên lạc vốn đã là nhu cầu thiết yếu. “Chúng tôi giới thiệu cả VTV cáp, HTV cáp vào làm việc với Ban Quản lý khu đô thị thuộc UBND quận Hà Đông nhưng đều bị “bật” ra”, ông Quân nói.

Vướng nhất là quy hoạch, đất đai

Đại diện dự án cao ốc quốc tế Hồ Tây phản ánh, từ năm 2012 dự án đã có giấy phép xây dựng nhưng lại phải dậm chân tại chỗ do công trường xây dựng đặt cạnh khu nhà 16 Thụy Khuê là nhà nguy hiểm cấp D. “Nếu chúng tôi khởi công xây dựng cao ốc thì nguy cơ nhà 16 Thụy Khuê bị sập. Đề nghị thành phố sớm có phương án di dời, xây dựng lại khu nhà nguy hiểm này”, đại diện chủ đầu tư nói. Lãnh đạo Công ty T.H.T là chủ đầu tư khu đô thị mới tây hồ Tây (Starlake) và nhiều dự án khác kiến nghị thành phố đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, giảm thiệt hại cho nhà đầu tư.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, khó khăn vướng mắc chủ yếu của các dự án tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng. Dự án gặp khó khăn về quy hoạch gồm 12 dự án. Trong đó, có 3 dự án phải chờ quy hoạch phân khu gồm: Dự án khu công nghiệp (KCN) bắc Thường Tín, dự án Trấn Sông Hồng, dự án Khu nhà ở sinh thái VIT-Tiền Phong. Có 9 dự án phải chờ quy hoạch chi tiết 1/500 gồm: Khu chức năng đô thị Nolbe, Khu đô thị (KĐT) thành phố Công nghệ Xanh, KĐT ParkCity, KĐT bắc An Khánh, KĐT Hà Nội WestGate, Trung tâm Tài chính thương mại và Công trình phụ trợ, Toà tháp Thiên niên kỷ, Times Square, Đất Hồ Tây...

Đại diện nhà đầu tư Khu đô thị sinh thái tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh bức xúc trước tình trạng duyệt dự án mà không làm đường vào.

Trả lời nhà đầu tư trong tháng 5

Trả lời kiến nghị của nhà đầu tư, đại diện UBND quận Hà Đông thừa nhận, dự án đô thị Mỗ Lao có phần hạ tầng do ngân sách đảm nhiệm nhưng thực hiện thiếu đồng bộ, dẫn đến gây khó khăn cho nhà đầu tư và người dân. “Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin và trả lời nhà đầu tư”, vị đại diện UBND quận Hà Đông cam kết. Sở QH&KT Hà Nội cho biết, đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quy hoạch phân khu làm căn cứ triển khai dự án. Tuy nhiên, do khối lượng công việc quá lớn sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, hàng trăm dự án phải dừng lại để rà soát nên ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án…

Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội khẳng định, những ý kiến tâm huyết của nhà đầu tư là cơ sở để các cơ quan của thành phố vào cuộc sâu hơn, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. “Đến nay Hà Nội đã thu hút được 3.169 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 26,3 tỷ USD và đây là nguồn lực rất lớn trong phát triển kinh tế. Việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư cũng chính là thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố”, ông Quý nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở QH&KT, TN&MT UBND quận Cầu Giấy, Hà Đông và nhiều cơ quan khác phải nghiêm túc tiếp nhận thông tin và khẩn trương kiểm tra, trả lời nhà đầu tư ngay trong tháng 5/2015. “Chúng ta phải rất thẳng thắn trong việc này. Các sở ngành làm đến đâu, bao giờ trả lời phải rất rõ ràng, cụ thể với nhà đầu tư”, ông Tuấn lưu ý. Với hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào, hạ tầng khung, ông Tuấn yêu cầu phải rà soát lại để khắc phục các thiếu sót, tạo thuận lợi cho các dự án.

Minh Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.