Cuối cùng, dự án giãn dân phố cổ để bảo tồn khu di tích đặc biệt này đã được tái khởi động sau cả chục năm... bất động trên giấy. Nhưng, từ những ý tưởng được đưa ra, không ít người vẫn hoài nghi về hiệu quả của dự án.

Cụ thể, đầu tháng Tám vừa qua, lãnh đạo Hà Nội đã phê duyệt đề án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội). Với quỹ đất 11ha và kinh phí gần 5.000 tỷ đồng, giai đoạn một của dự án dự kiến sẽ di dời 1.530 hộ dân từ phố cổ sang vị trí mới trong thời gian ba năm, kể từ 2014.

Cưỡng chế để “giải phóng” cho 121 di tích

1.530 hộ dân này được chia làm hai loại đối tượng. Đối tượng một là 720 hộ dân đang sống trong các khu vực sát cạnh di tích, trường học, công sở, bệnh viện. Đối tượng hai, với hơn 800 hộ dân còn lại, sẽ được lên danh sách dựa trên cơ sở tự nguyện. Theo đề án, các hộ dân thuộc đối tượng hai sẽ được ưu tiên mua nhà tại khu tái định cư với mức giá thấp, đồng thời có thể bán lại diện tích đang sử dụng (trong khu phố cổ) cho Nhà nước hoặc cho các hộ dân liền kề.

Với các đối tượng loại một, trong trường hợp không thể vận động hoặc thỏa thuận, đề án giãn dân cho phép di dời những hộ dân này dưới hình thức giải phóng mặt bằng, nghĩa là áp dụng biện pháp cưỡng chế khi cần. Có thể xem đây là một quyết định có tính bước ngoặt trong kế hoạch giãn dân phố cổ - bởi các cuộc thăm dò trong nhiều năm qua cho thấy, việc kêu gọi các hộ dân (đặc biệt là đối tượng đang kinh doanh, buôn bán) tự nguyện di dời luôn có kết quả rất thấp.

“Cần nói rõ: nếu áp dụng hình thức giải phóng mặt bằng, các hộ dân phải di dời vẫn được đảm bảo các quyền lợi một cách rõ ràng, minh bạch theo chính sách. Thực tế, vài năm qua, chúng tôi cũng đã động viên và thuyết phục được vài chục hộ dân thuộc loại một tự nguyện di dời”. Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết. Trong giai đoạn một của dự án, phía quản lý tập trung ưu tiên tối đa cho việc giải phóng mặt bằng của 121 di tích đang nằm trong phố cổ. Hầu hết các di tích này đều bị các hộ dân “nhảy dù” lấn chiếm trong giai đoạn 1954 - 1975, đang trong tình trạng bị xâm phạm nghiêm trọng, thậm chí nhiều kiến trúc đã bị phá hỏng, chỉ còn phế tích.

“Hệ thống các đền, chùa, am, miếu, cửa ô, di tích cách mạng... trong khu phố cổ đều là những di tích lâu đời và mang đặc trưng rõ nhất của Hà Nội. Dù có những di tích tạm thời chưa được xếp hạng, dự án vẫn quyết định ưu tiên giải phóng mặt bằng để trả lại không gian cũ, sau đó có thể nghiên cứu các biện pháp bảo tồn một phần, hoặc phục dựng”, ông Long khẳng định.

Không thể hy vọng phố cổ Hà Nội sẽ được trả lại vẻ đẹp cũ chỉ bằng việc giãn dân

Sẽ bảo tồn phố cổ thế nào?

Cùng với việc “xiết” nhập cư vào nội thành theo Luật Thủ đô, đề án giãn dân phố cổ có thể coi là bước đi đầu tiên trong việc trả lại không gian văn hóa cần thiết cho khu phố cổ. Nhưng, cùng với đề án ấy, phố cổ sẽ được bảo tồn và khai thác thế nào cho phù hợp với yêu cầu hiện đại?

Một phép tính đơn giản được đặt ra: cuối năm 2010, việc trùng tu và chỉnh trang một đoạn phố Tạ Hiện được khởi công với sự giúp đỡ của thành phố Toulouse (Pháp). Để trả lại kiến trúc cổ vốn có cho 52m đường (và chỉ áp dụng với lớp nhà ngoài mặt phố), dự án đã mất trọn 12 tháng với số tiền 15 tỷ đồng. Nếu đem định mức này nhân với diện tích 28ha của vùng bảo tồn phố cổ, thì phí đầu tư sẽ thật... kinh khủng.

“Chúng ta làm dự án đó với sự giúp đỡ của Pháp. Và, chỉ nên coi đó là một dự án... làm mẫu về tính chuẩn mực thôi. Nhà nước sẽ không thể nào có đủ tiền để tiến hành bảo tồn theo kiểu bao cấp như vậy” - nguyên KTS trưởng thành phố Đào Ngọc Nghiêm nói.

“Lời giải” cho bài toán ấy, tiếc thay, vẫn là một vấn đề mà Hà Nội “ý thức được, nhưng không làm được”, theo nhận xét của ông Nghiêm. Việc huy động nguồn kinh phí từ người dân, kêu gọi người dân cùng tham gia đầu tư bảo tồn nhà cổ của mình, tạo điều kiện cho họ thu lợi từ kinh doanh và du lịch... đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng đến giờ, mô hình đó vẫn chưa một lần thành công tại phố cổ Hà Nội.

“Chúng ta không thể chỉ kêu gọi suông mà cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt. Chẳng hạn, đặc trưng của phố cổ là việc hình thành cộng đồng dân cư gắn với từng phố nghề. Tại sao chúng ta không có sự ưu đãi về thuế, hoặc hỗ trợ nguồn vốn cho những trường hợp đang tự bảo tồn ngôi nhà cổ của mình?”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói. “Hoặc, Hà Nội vừa qua đặt vấn đề khôi phục các tuyến phố Lãn Ông, Thuốc Bắc. Vậy, chúng ta có nghĩ đến biện pháp hỗ trợ, đưa các bác sĩ y học cổ truyền tới đây làm việc không, thay vì chỉ là nơi bán các loại thuốc nhập từ Trung Quốc?”.

Có nghĩa, việc giãn dân phố cổ mới chỉ là bước đi đầu tiên, trong hành trình rất dài để bảo tồn phố cổ và kèm theo đó là việc bảo tồn cả những giá trị về văn hóa, lối sống, con người... của cụm di tích này.

Thanh Nguyễn (PNO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.