Công trình được cấp phép theo đúng quy định quản lý phố cổ là 4 tầng nhưng đã lên đến tầng 6
Dù đã được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt, quán triệt về mật độ xây dựng trong phố cổ Hà Nội, thế nhưng nhiều UBND phường vẫn “phớt lờ” quy định, mặc nhiên cho công trình xây dựng “vươn” cao, phá vỡ quy hoạch phố cổ…
Công trình vượt tầng phá vỡ không gian phố cổ
Một trong những phường có vi phạm về trật tự xây dựng phá vỡ quy hoạch phố cổ điển hình có thể kể đến phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.
Theo quyết định 6398/QĐ-UBND, quyết định ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký, ban hành 24/10/2013, tuyến phố cổ công trình xây dựng được cấp tối đa với lớp ngoài là 3 tầng, lớp trong là 4 tầng. Phố Hàng Đồng là một trong những tuyến phố cổ thuộc diện cấp phép xây dựng theo quyết định này.
Quy định là vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì, công trình xây dựng số 43 Hàng Đồng “mặc sức”, “ăn” thêm 2 tầng đưa công trình lên 6 tầng, phá vỡ diện mạo phố cổ, quy hoạch Thủ đô.
Trao đổi với phóng viên về những sai phạm trật tự xây dựng này, ông Nguyễn Quang Anh, Tổ trưởng thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm, phụ trách địa bàn phường Hàng Bồ cho biết, công trình xây dựng số 43 Hàng Đồng, chủ đầu tư là bà Trần Kim Anh và ông Nguyễn Khánh Thành, công trình được cấp phép theo đúng quy định quản lý phố cổ là 4 tầng (trong đó lớp ngoài được xây 3 tầng, lớp trong xây 4 tầng, lùi vào khoảng 4m so với lớp ngoài).
Cấp phép là vậy, thế nhưng theo thực địa của phóng viên vào ngày 6/7/2015, công trình đã xây dựng lên đến tầng 6, thay vì lùi vào khoảng 4m chiều sâu ở tầng 4 thì công trình đã đua ra lớp ngoài như tầng 3. Không biết UBND phường, tổ thanh tra xây dựng đã ở đâu, làm gì, khi để công trình xây dựng vượt phép nghiêm trọng!?.
Lý giải cho sai phạm này, ông Nguyễn Quang Anh cho biết, chủ đầu tư này là một trong những nhà có ý thức kém!?, nói đến nhà này thì nhiều người biết từ UBND quận đến các ban, ngành. Hiện UBND phường đã đình chỉ lại để xin ý kiến xử lý.
So với các công trình khác trong phố cổ, công trình không phát sinh chiều cao nhiều, trường hợp nhà bà Kim Anh, khi thi công người ta hạ thấp chiều cao các tầng xuống, thí dụ nhà khác làm 3,2m nhà bà Anh chỉ làm 2,8m, thông thủy chỉ còn 2,7m; ngoài ra cốt nền nhà này làm âm xuống 80 phân, nên nói vượt chiều cao là không đáng kể, ông Quang Anh, phân về công trình xây dựng sai phạm.
Theo ông Quang Anh, công trình phát hiện sai phạm từ đầu tháng 6, khi đó công trình xây sai về khoảng lùi tầng 4, hiện công trình đã xây vượt 2 tầng. Như vậy chỉ trong khoảng tròn 1 tháng, công trình đã “ăn gian” thêm 2 tầng. Giải thích cho vấn đề xây dựng sai phép nhanh, vị thanh tra xây dựng này cho biết, bây giờ công nghệ thi công nhanh lắm, thí dụ nhà mà nhỏ chỉ 4 – 5 ngày là làm xong…
Theo phản ánh của người dân trong khu phố: “Ở phố cổ xây dựng là rất khó, chúng tôi vừa sửa chữa, cải tạo nhà là tổ thanh tra xây dựng đã vào lập biên bản bắt đình chỉ ngay, đối với công trình nhỏ lẻ sửa chữa họ làm quyết liệt là thế. Một công trình to đồ sộ hàng trăm m2 như công trình 43 Hàng Đồng xây dựng sai phép vượt hơn 2 tầng, không thể nói là UBND phường không biết. Phải chăng ở đây có sự khuất tất gì đó mà để công trình xây dựng sai phép, vượt tầng lên cao như vậy!?...”.
Khi được hỏi công trình phát hiện sai phạm khi nào?, tại sao khi ra quyết định đình chỉ thì lại không đình chỉ quyết liệt, để người dân vi phạm sau này xử lý cưa cắt ngọn công trình sẽ gây ảnh hưởng đến xã hội cũng như kinh tế gia đình!?. Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ, cho hay, "nói thật là nhu cầu người dân biết thế nào cho là vừa ai chả muốn tham (xây sai tầng) nhất là trong phố cổ này, nhà chật hẹp, họ bỏ cả đống tiền ra mua thì ai mà chẳng muốn xây thêm… Mình làm ngay từ đầu, ngăn được người dân thì tốt chứ cứ để họ xây rồi đến phá nhà người ta thì nguy hiểm lắm. Hiện, công trình đã đình chỉ hiệu quả, đã bắt dừng lại rồi!?. Công trình này đang vi phạm, đang bắt lùi vào, còn phần bên trong hơi cao một chút, phường đang xin ý kiến xử lý của cấp trên", ông Nghị cho biết thêm.
Khi phóng viên đề nghị phía UBND phường cung cấp biên bản, quyết định đình chỉ công trình, ông Nghị viện lý do Phó Chủ tịch giữ hồ sơ nên khất lần sau.
Phố cổ - nơi chịu sự quản lý của hàng chục cơ quan chức năng như ban quản lý phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm, Sở xây dựng,.. như vậy có thể thấy để một công trình lên cao vượt phép là rất khó, nếu không có “đèn xanh” của một vài cơ quan!. Dư luận quan ngại rằng, có hay không sự buông lỏng quản lý, “tiếp tay” hay “làm ngơ” cho sai phạm của các cơ quan chức năng ở phường Hàng Bồ!?.
Để rộng đường dư luận về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.
Đỗ Hưng - Uy Lực (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.