Ngày 3/8, đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) về công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư tái định cư tại Khu đô thị Nam Trung Yên.

Một góc khu đô thị Nam Trung Yên. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Phó Tổng Giám đốc Handico Nguyễn Tử Quang, Tổng công ty tiếp nhận, quản lý 18 tòa nhà chung cư tái định cư tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) từ tháng 6/2013.

Hiện cả khu tái định cư này có 2.204 căn hộ, trong đó số căn hộ đã bố trí tái định cư là 1.836 căn, số căn hộ trống chưa sử dụng là 47 căn, 321 căn còn lại vẫn còn những tồn tại, vướng mắc nên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa bàn giao cho đơn vị.

14 tòa nhà được xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với diện tích nhà dành cho mục đích công cộng và kinh doanh dịch vụ, bốn tòa nhà đang được kiểm tra, đo vẽ. Tổng công ty đã bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho 15 tòa nhà, dự kiến trong tháng 8/2015 sẽ bàn giao cho ba tòa nhà còn lại.

Đáng chú ý là trong việc quản lý, vận hành các tòa nhà tái định cư Nam Trung Yên hiện nay là nhiều tòa nhà được xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực, do vậy không có hoặc có rất ít kinh phí bảo trì 2%; giá đền bù, hỗ trợ về nhà, đất đối với các hộ gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng thời điểm đó còn thấp, dẫn đến việc các hộ gia đình tái định cư bị thiệt thòi, luôn đòi hỏi, đấu tranh để tiếp tục nhận được các ưu đãi của Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật chưa có các quy định cụ thể mang tính đặc thù đối với nhà chung cư tái định cư nhằm tháo gỡ các bất cập nêu trên, nên công tác vận hành, bảo trì nhà tái định cư nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Tổng Giám đốc Handico Nguyễn Tử Quang cho biết đơn vị cũng rất khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân thành lập Ban Quản trị tòa nhà theo quy định do sự phản đối của đại diện tổ dân phố và các chủ hữu, chủ sử dụng nhà chung cư. Các hộ dân cho rằng nhiều tòa nhà đưa vào sử dụng đã lâu, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị xuống cấp, kinh phí bảo trì 2% các tòa nhà rất ít, thậm chí ba tòa nhà không có. Nếu thành lập Ban Quản trị, các chi phí sẽ phải thu của các hộ dân và Ban Quản trị là đại diện thực hiện việc thu phí, trong khi đó người dân tái định cư phần lớn có cuộc sống khó khăn, không có điều kiện đóng góp. Điều này cũng khiến Tổng công ty khó vận dụng các quy định mới theo như quy định hiện nay.

Cũng theo báo cáo của Tổng Công ty Handico, từ khi tiếp nhận đến nay, hàng tháng, Tổng Công ty phải chủ động tạm ứng phần kinh phí thiếu hụt cho đơn vị quản lý vận hành khoảng 650 triệu đồng để đảm bảo hoạt động của các tòa nhà, phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên Đán 2015, Tổng Công ty đã chủ động ứng trước khoảng 15 tỷ đồng để sơn sửa mặt ngoài 10/18 tòa nhà. Hiện, nguồn thu chính của đơn vị quản lý là thu từ phí quản lý vận hành của các hộ dân với mức 30.000 đồng/tháng, phí thu trông giữ xe máy 30.000 đồng/xe. Thực tế nguồn thu này là rất thấp, thu không đủ để bù đắp các chi phí quản lý vận hành.

Đại diện các hộ dân tái định cư Nam Trung Yên kiến nghị Nhà nước và thành phố cần có lộ trình tăng giá dịch vụ nhà chung cư sao cho phù hợp và trước mắt đề nghị thành phố có cơ chế bù đắp chi phí quản lý vận hành cho Handico. Bởi thực tế, nguồn kinh phí bảo trì 2% của các tòa nhà còn quá ít, lại không nhận được sự đồng thuận của người dân nên việc sửa chữa còn chậm, nhiều hạng mục công trình lớn bị xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sự an toàn của người dân.

Lãnh đạo Tổng Công ty Handico cũng đề nghị thành phố quan tâm xem xét ban hành cơ chế tài chính đặc thù, hỗ trợ đối với những tòa nhà kinh phí bảo trì 2% không có hoặc có rất ít. Đồng thời, cần quy định rõ về chức năng, thẩm quyền của đơn vị quản lý vận hành nhà tái định cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thực hiện, phù hợp với thực tiễn; quy định về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tái định cư và cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Nhân dân quận, phường, các cơ quan chuyên ngành như công an, điện, nước...

Đặc biệt, thành phố cần có chế tài xử lý đối với những hành vi cố tình chây ỳ không thực hiện các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng nhà chung cư tái định cư.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Tổng Công ty Handico, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách thuộc Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Nam đề nghị đơn vị tiếp tục nỗ lực trong công tác quản lý vận hành, bảo trì quỹ nhà tái định cư Nam Trung Yên, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Song, Handico cũng cần phải tuyên truyền, vận động người dân thành lập Ban Quản trị theo đúng quy định của pháp luật; công khai các khoản thu, chi cải tạo, sửa chữa nhà tái định cư để người dân được biết và giám sát hiệu quả thực hiện.

Đối với diện tích kinh doanh dịch vụ, Tổng công ty khẩn trương có chế tài xử lý, quy định rõ trong Hợp đồng cho thuê để thu đúng, thu đủ nguồn tiền nộp ngân sách Nhà nước.

Cũng từ thực tế kiểm tra các khu tái định cư hiện nay, ông Nam yêu cầu các cơ quan chuyên môn tập trung tham mưu cho thành phố để có những những quy định quản lý phù hợp và các biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà tái định cư, tránh gây bức xúc cho người dân như thời gian qua./.

Minh Nghĩa (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.