Sự việc căn biệt thự cổ kiến trúc kiểu Pháp ở 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đổ sập vào chiều ngày 22/9 gây thương vong cho 7 người dân đã gióng lên hồi chuông báo động trước hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng tại những khu chung cư lâu năm, các căn biệt thự cổ… trên địa bàn Thủ đô.

Ngôi nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo bị sập. (Ảnh: TTXVN)

Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi đáng lo ngại là sau vụ sập nhà cổ trên, sẽ còn hay không những bi kịch tương tự và làm thế nào để siết chặt công tác quản lý nhà cổ ở Hà Nội cũng như bảo tồn, bảo đảm chất lượng cho những di sản này?

Trên địa bàn Hà Nội hiện còn không ít những căn biệt thự có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng và sự an toàn của những người sống, làm việc trong các tòa nhà đó. Song trên thực tế, việc bảo tồn, duy tu, sửa chữa các căn biệt thự cổ ở Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.


* Hàng loạt biệt thự cổ xuống cấp

Ngay sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng tại biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo, Bộ Xây dựng đã “tức tốc” có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị khẩn cấp rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng với các biệt thự cũ và nhà cổ; yêu cầu chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng.

Tại Hà Nội, hiện còn không ít ngôi nhà cổ tiềm ẩn nguy cơ có thể lặp lại sự cố đáng tiếc như biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo mà lỗi ở cả cơ quan quản lý và người sử dụng.

Đơn cử như biệt thự cổ 159 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), hơn 2 năm nay, tòa nhà biệt thự cổ ở vị trí đất “kim cương” này vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống.”

Đây vốn là trụ sở của một cơ quan báo chí ở Hà Nội. Thế nhưng vì tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng, cán bộ nhân viên ở đây phải di tản đến nơi khác để chờ xây mới hoặc sửa chữa. Tuy nhiên, thủ tục xây mới, sửa chữa những tòa nhà này không hề đơn giản.

Tương tự, tại căn biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng) được xây dựng từ năm 1920 với diện tích khoảng 200 m2, hiện đang có 17 hộ dân sinh sống. Trải qua hơn 100 năm tuổi, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, tường nhà nứt nẻ, mái ngói bong tróc chỉ trực chờ rơi xuống đầu người đi đường.

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại đây, ngôi nhà này nằm trong diện được bảo tồn nên người dân không được cải tạo lại, chỉ sửa tạm bợ để “chống đổ’. Dân cư tại đây nhiều lần viết đơn kêu cứu nhưng chưa biết cơ quan nào quản lý, ngôi nhà vẫn chưa được sửa chữa.

Ngoài ra, có thể liệt kê một số biệt thự trên 100 năm tuổi đang xuống cấp tương tự tại các số nhà như: 70 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm); 45 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng); 47 Trần Quốc Toản; 65 Nguyễn Thái Học… khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân không những khổ sở mà còn mất an toàn đến tính mạng và tài sản.

Là người sinh sống tại khu vực phố cổ Hà Nội - nơi còn khá nhiều các biệt thự xây từ thời Pháp thuộc, ông Phạm Hữu Chấn (phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn cảm thấy bất an khi sống trong những khu nhà cổ này. Ông Chấn cho biết, hầu hết những ngôi nhà ở khu phố cổ đều nằm trong kế hoạch bảo tồn và ngày càng có dấu hiệu xuống cấp nguy hiểm, nhưng vấn đề xin sửa chữa lại gặp nhiều khó khăn.

* Có buông lỏng quản lý?

Hiện thành phố Hà Nội đã xác định được danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 và phân loại thành 3 nhóm trên địa bàn các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Thành phố cũng xác định 312 nhà biệt thự đã bị xuống cấp nghiêm trọng xây dựng sau năm 1954, không còn giá trị về kiến trúc và không thuộc diện quản lý theo quy chế quản lý nhà biệt thự. Trong đó, quận Ba Đình có 120 biệt thự, quận Tây Hồ có 6 biệt thự, quận Hoàn Kiếm 123 biệt thự, quận Hai Bà Trưng 40 biệt thự, quận Đống Đa 23 biệt thự.

Mặc dù Bộ Xây dựng đã có quy định về bảo trì công trình, nhưng thời gian qua phần lớn những căn biệt thự đã được chuyển giao đều không còn hồ sơ gốc của công trình. Ngay như trụ sở của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang quản lý, sử dụng tại địa chỉ 23 Đinh Tiên Hoàng cũng trong tình trạng này.

Để tôn tạo, duy tu, Hội phải thăm dò kết cấu, nền móng, kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng với người dân thì rất khó để thực hiện các quy trình này. Vì vậy, để tôn tạo, duy tu các biệt thự, vấn đề đặt ra là cùng với việc phân nhóm cần phải phân cấp trong quản lý. Đặc biệt cơ quan quản lý nhà cần cung cấp cho các chủ sở hữu, sử dụng bản sao của hồ sơ gốc để nắm được kết cấu của tòa nhà, phục vụ việc sửa chữa, bảo trì.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/2008/NĐ-CP và Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND, Nhà nước chưa có quy định về quản lý sử dụng riêng đối với nhà biệt thự.

Quá trình quản lý và bố trí sử dụng nhà biệt thự diễn ra trong thời gian dài nên có tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý nhà và chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp được quản lý trên hồ sơ, thực tế đã thay đổi nhưng cơ quan quản lý chưa cập nhật. Tình trạng hộ gia đình, cá nhân sử dụng sai mục đích, cải tạo làm biến dạng biệt thự cũng không được xử lý kiên quyết.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận việc tổ chức thực hiện một số nội dung của Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND như công tác rà soát, xây dựng và ban hành quy chế quản lý nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954 còn chậm. Tại thời điểm xây dựng Đề án, chưa kiểm tra, đánh giá những biệt thự chuyên dùng xây dựng trước năm 1954 do các cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng (hầu hết là những biệt thự có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật).

Đáng chú ý, nhiều biệt thự đã biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không có kinh phí để thực hiện khảo sát, kiểm định đánh giá chất lượng công trình. Trong khi đó, thành phố chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện cải tạo, trùng tu nhà biệt thự nhằm phát huy giá trị về vị trí, kiến trúc, nghệ thuật của các nhà biệt thự.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, Sở Xây dựng cho biết, trước khi có Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND, Thông tư 38/2008/TT-BXD, Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND, nhà biệt thự chỉ được coi là một dạng nhà ở, chưa có quy định của Nhà nước và thành phố về bảo tồn, tôn tạo. Việc cấp phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ nhà biệt thự, mật độ xây dựng và tầng cao công trình được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tồn tại, hạn chế trong quản lý biệt thự tại Hà Nội là theo thiết kế, nhà biệt thự được dùng làm trụ sở cơ quan hoặc một hộ gia đình ở. Tuy nhiên, việc phân phối nhà ở cho nhiều hộ gia đình cùng sử dụng hoặc đan xen sử dụng giữa trụ sở cơ quan và các hộ dân dẫn đến tình trạng lấn chiếm diện tích sử dụng chung, xây dựng không phép, trái phép đã phá vỡ công năng, kiến trúc, làm xuống cấp, biến dạng biến thự.

Thêm vào đó, một số tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của các nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954; chưa xác định được trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng, chưa phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, thậm chí có trường hợp khiếu nại, thắc mắc cho rằng nhà biệt thự đang sử dụng không có giá trị để bảo tồn./.

Minh Nghĩa - Nguyễn Thắng (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.