Trong “đơn khiếu nại” gửi đến báo Pháp luật Việt Nam điện tử, đại diện các hộ dân thôn Quan Thượng, xã Văn Lý (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, năm 2007, theo yêu cầu của UBND xã Văn Lý họ có cho UBND xã mượn một phần diện tích đất diện 115 để phục phụ dự án nạo vét sông Châu Giang từ Phủ Lý đến Tắc Giang trong vòng 3 năm, thế nhưng UBND xã Văn Lý lại thu hồi vĩnh viễn.
“Chưa nhận được quyết định thu hồi đất”
Theo đại diện các hộ dân, năm 2003, các hộ dân thôn Quan Thượng được cấp đất sản xuất nông nghiệp theo diện 115 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 1/2007, gần 70 hộ dân trong thôn Quan Thượng được chính quyền địa phương thông báo, việc thực hiện dự án nạo vét sông Châu Giang từ Phủ Lý đến Tắc Giang sẽ cần mượn một phần diện tích đất của các hộ trong vòng 3 năm để làm nơi chứa đất bùn.
Sau 3 năm, khi dự án hoàn thành sẽ san lấp, trả lại mặt bằng cho người dân sản xuất, giá bồi thường cho diện tích đất bị ảnh hưởng là 21.000 đồng/m2/3 năm. Tuy nhiên, hết thời gian trên, chính quyền địa phương không thực hiện san lấpvà bàn giao mặt bằng.
Theo nhiều hộ dân xã Văn Lý, họ chưa nhận được quyết định thu hồi nào nhưng đã bị UBND xã Văn Lý thu hồi đất
Trong vòng 4 năm, từ 2011 đến 2014, xót xa vì đất bị bỏ hoang các hộ dân đã tự san lấp để lấy đất sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp hàng năm đều thu phí phần diện tích này. Đầu năm 2015, chính quyền xã Văn Lý thường xuyên cho người cản trở hoạt động sản xuất của người dân. Lý do mà chính quyền xã Văn Lý đưa ra là diện tích đất phục vụ dự án nạo vét sông Châu Giang ở thôn Quan Thượng đã bị thu hồi vĩnh viễn từ năm 2007.
Mang ra tờ biên bản kiểm kê tài sản trên phần đất mượn phục vụ dự án bà Đỗ Thị Oanh cho biết, năm 2007, bà cho UBND xã mượn 995m2 đất. Bà Oanh khẳng định, chưa bao giờ nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất nào. “Việc UBND xã Văn Lý cản trở không cho chúng tôi sản xuất trên phần diện tích chúng tôi đã cho mượn là sai vì đến nay đã hết thời gian mượn đất. Chúng tôi chưa nhận được quyết định thu hồi đất nào từ huyện và xã, đề nghị UBND xã Văn Lý trả lại phần đất đã thu hồi trái quy định để người dân sản xuất”,bà Oanh nói.
Cũng như những hộ dân khác, một phần đất thuộc diện 115 của ông Đỗ Văn Hải cũng được UBND xã Văn Lý mượn để phục vụ dự án nạo vét sông Châu Giang. Theo ông Hải, từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình ông luôn bị cản trở khi canh tác trên phần đất mà ông đã từng cho mượn để thực hiện dự án.
Để phục vụ việc trông coi hoa màu, tháng 10/2015, con trai ông Hải có xây một cái lán rộng khoảng 10m2 trên phần đất đó. Trong quá trình xây dựng, cán bộ UBND xã có đến lập biên bản và yêu cầu chấm dứt việc xây dựng, trả lại đất cho UBND xã. “Gia đình tôi không đồng ý với yêu cầu của UBND xã vì cùng trên một thửa đất nhiều gia đình khác cũng xây trang trại để chăn nuôi. Con tôi chỉ xây một cái lán tạm để trú năng mưa trông coi hoa màu chứ không phải xây nhà để ở”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết, ngày 17/11/2015, chủ tịch UBND xã Văn Lý là ông Ngô Duy Dền ra Quyết định số 01/QĐ-CC về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gây ra. “Phần đất của gia đình tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình tôi chưa hề nhận được quyết định thu hồi nào nhưng UBND xã Văn Lý lại đòi thu hồi đất của chúng tôi. Vì bảo vệ tài sản của gia đình bị lực lượng chức năng cưỡng chế mà hai đứa con trai của tôi bị kết tội “cố ý gây thương tích” và phải tù tội”, ông Hải chua xót nói.
Đại diện các hộ dân cũng cho biết, UBND xã Văn Lý còn tự ý bán 2 giếng làng thuộc diện sở hữu chung và linh thiêng của thôn Quan Thượng cho tư nhân làm hồ thả cá, làm mất nguồn sước sinh hoạt hàng ngày của người dân.
UBND xã Văn Lý có thiếu trách nhiệm khi tiến hành thu hồi đất?
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Duy Dền – Chủ tịch UBND xã Văn Lý cho biết, để thực hiện dự án nạo vét sông Châu Giang thuộc Hệ thống thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý, ban đầu UBND tỉnh Hà Nam ra Quyết định (số 464/QĐ-UBND)hướng dẫn thu hồi có thời hạn và giao đất cho Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam, sử dụng mục đích làm bãi chứa bùn cát.
Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Hà Nam đã có văn bản hỏa tốc (Số 236/UBND – NN&TNMT ký ngày 5/3/2007) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam về việc, diện tích đất thu hồi tạm thời để phục vụ dự án thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý chuyển sang hình thức thu hồi vĩnh viễn.
UBND xã Văn Lý tự ý cho tư nhân thuê 2 giếng làng để làm hồ nuôi cá
Cũng theo ông Dền, trước khi ra quyết định cưỡng chế đã có chỉ đạo của huyện. Bên cạnh đó, đầu năm 2015, trước việc nhiều người dân thôn Quan Thượng có đơn phản ánh và yêu cầu đòi lại đất đã thu hồi thuộc dự án thủy lợi Tắc Giang –Phủ Lý tại xã Văn Lý, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Lan – Phó chủ tịch UBND huyện Lý Nhân đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các hộ dân và đã có kết luận về việc này.
Theo đó, sau khi nghe ý kiến các hộ dân bà Lan khẳng định, việc một số hộ dân thôn Quan Thượng đòi lại phần đất đã thu hồi là không có cơ sở vì phần diện tích đó thuộc diện thu hồi vĩnh viễn. “Việc thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý tại xã Văn Lý là đúng thẩm quyền, đúng quy trình và đảm bảo đúng các quy định của pháp luật”, thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của bà Lan khẳng định.
Kết luận này cũng cho thấy, giá đền bù giải phóng mặt bằng tại thời điểm năm 2007 là đúng quy định (21 ngàn đồng/m2) và các hộ dân đã ký nhận. Theo ý kiến của bà Lan và ông Dền, UBND xã đã viết bài tuyên truyền thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã đểcác hộ dân hiểu rõ và thực hiệm nghiêm Quyết định thu hồi đất để phục vụ dự án, các ngành đoàn thể cũng đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu.
Thế nhưng, trong quá trình tiếp xúc với phóng viên, đa số các hộ dân đều cho rằng, họ chưa nhận được bất kỳ thông báo thu hồi đất nào từ UBND xã Văn Lý và UBND huyện Lý Nhân, phần tiền nhận từ năm 2007, các hộ dân khẳng định họ nghĩ đó là tiền hỗ trợ việc cho mượn đất trong vòng 3 năm. Việc thu hồi đất của UBND xã Văn Lý mới đây khiến các hộ dân bức xúc gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi.
Phải chăng, chính quyền xã Văn Lý chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa tuyên truyền đầy đủ cho người dân hiểu để rồi xảy ra việc kiện tụng, thậm chí có người còn dính vòng lao lý vì chưa xác định được phần đất đó là đất cho mượn để phục phụ dự án nạo vét sông Châu Giang hay thu hồi vĩnh viễn.
Anh Tuấn (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.