Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra quyết định giảm mức lãi suất cho vay mua nhà cho đối tượng chưa có nhà ở thuộc gói hỗ trợ 30.000 tỉ xuống 5%/năm sau khi có nhiều kiến nghị từ phía các đơn vị thực hiện về việc giảm lãi suất và kéo dài thời hạn được hưởng mức lãi suất này.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất giảm là điều rất tốt cho người vay nhưng nó sẽ không phải động lực chính giúp tăng tốc độ giải ngân gói hỗ trợ này.

Theo tổng kết của NHNN, tính đến cuối tháng 11, các ngân hàng đã cam kết cho vay đến 1.256 khách hàng (trong đó có 1.246 khách hàng cá nhân và 10 doanh nghiệp) với tổng số tiền 1.562 tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 1.236 khách hàng với tổng dư nợ 470,8 tỉ đồng (trong đó có 5 doanh nghiệp với dư nợ 176 tỉ đồng). Như vậy, sau 6 tháng triển khai gói hỗ trợ này, chỉ có gần 2% giá trị của gói hỗ trợ được đưa đến tay những người mua nhà và thực hiện dự án nhà cho người thu nhập thấp.

Việc giảm lãi suất là điều kiện tốt để kích thích nhu cầu vay mua nhà, phần nào giảm bớt áp lực cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để có thể tăng tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ thì vẫn còn có nhiều vấn đề. Điều mà người dân quan tâm hơn hiện nay là thủ tục hành chính. Nhiều khách hàng gặp khó khăn để được xác nhận tình trạng nhà ở (chưa có nhà ở) từ phía chính quyền địa phương để được vay theo gói hỗ trợ này. Và quan trọng hơn nữa là nguồn cung còn khá ít.

Ông Dương Chí Thiện, Tổng giám đốc Neoland cho rằng việc NHNN quyết định hạ lãi suất cho vay gói 30.000 tỉ đồng, từ 6% xuống 5% là một tín hiệu tốt cho thị trường, phần nào giảm bớt áp lực cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội hay nhà thương mại có diện tích dưới 70 mét vuông và giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông.

Tuy nhiên, tắc nghẽn hiện nay không phải là lãi suất 5% hay 6%, mà là nguồn cung không có, người dân có rất ít sự chọn lựa khi tìm mua nhà giá thấp”, vị này nói. Bên cạnh đó, ông cho biết thủ tục chuyển đổi dự án nhiêu khê, việc chia nhỏ diện tích căn hộ làm thủ tục mất 7-8 tháng trời vẫn chưa xong mới là những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn chậm trễ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), nên cho các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay nguồn tín dụng ưu đãi. Điều này không chỉ giúp nhanh chóng bổ sung nguồn cung nhà giá thấp cho thị trường, mà còn giúp giảm hàng tồn kho trên thị trường.

Ngay như trường hợp hai CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân và CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao Thông 584, mặc dù đã được UBND TP HCM chấp thuận cho chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp này thì họ vẫn chưa vay được nguồn vốn ưu đãi do có nợ xấu hoặc chưa có đủ nguồn vốn đối ứng (theo Thông tư 11, vốn đối ứng của doanh nghiệp tối đa là 30%).

Vì vậy, ông Châu cho rằng NHNN nên có chỉ đạo các NHTM cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội như trên được vay vốn ưu đãi, nhưng chuyển vào tài khoản phong toả và chỉ được giải ngân cho đúng danh mục công trình, đã có khối lượng nghiệm thu giai đoạn theo quy định để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích và thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.

Một lãnh đạo NHNN CN HCM mới đây cho biết NHNN sẽ xem xét và đề xuất Chính phủ mở rộng thêm nhóm ngân hàng tham gia cho vay gói tín dụng ưu đãi trước thực trạng gói tín dụng này giải ngân chậm chạp hiện nay. Mọi thủ tục hồ sơ và điều kiện sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này đánh giá thực ra vấn đề gói tín dụng này giải ngân chậm chạp chưa hẳn do thiếu ngân hàng cho vay mà do thủ tục xét duyệt, cộng với nguồn cung nhà trong phân khúc này chưa nhiều.

Bảo Chương (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.