Sau vụ ACB, những người “nuối tiếc” nhất có lẽ là các NĐT chứng khoán và vàng, NĐT với những quyết định vội vàng như rút tiền, bán chứng khoán, mua vàng vào... tiền gốc của họ đã “tự nhiên bốc hơi” trong ít ngày.

Những diễn biến vừa qua cho thấy, nếu NĐT tham gia trên TTCK hay vàng có thể bị “thâm thủng” khá lớn từ chính những khoản tiền dành dụm bấy lâu nay thì tiết kiệm cho thấy vẫn là kênh giữ được an toàn và lợi nhuận ổn định cho khách hàng. Nói vậy để thấy trong số các kênh đầu tư hiện nay thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là một lựa chọn hàng đầu mà người dân cần quan tâm.

“Hốt hoảng” và mất tiền

Vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải – nguyên TGĐ NHTMCP Á Châu (ACB) đã gây những biến động trên thị trường tài chính thời gian qua. Ngay sau khi các thông tin này được công bố, người dân rút tiền gửi khá nhiều tại các điểm giao dịch của ngân hàng này. Thị trường chứng khoán cũng lập tức giảm điểm mạnh và “đốt” nhiều nghìn tỷ đồng trong vài phiên liên tục. Thị trường vàng, USD cũng “được dịp” tăng giá... Tuy nhiên, tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại nhờ những chỉ đạo, hành động quyết liệt và thông tin kịp thời của NHNN cùng với nền tảng tài chính vững chắc của bản thân ACB cũng như các hỗ trợ nhịp nhàng từ nhiều ngân hàng lớn khác.

Sau “vụ ACB”, có rất nhiều thành viên thị trường, từ người gửi tiền đến các nhà đầu tư (NĐT) đều thấy mình đã quá vội vã trong các quyết định như rút tiền, bán chứng khoán, mua vàng vào... Những người “nuối tiếc” nhất có lẽ là các NĐT chứng khoán và vàng vì tiền gốc của họ “tự nhiên bốc hơi” trong ít ngày. Trong khi đó, “lợi” nhất có lẽ là các khách hàng gửi tiền, nhất là khách hàng của ACB vì ngay sau khi vụ việc diễn ra, ACB không những không rơi vào tình trạng “mất thanh khoản” như những đồn đoán trước đó mà ngân hàng này đã giải quyết ổn thỏa cho tất cả các khách hàng muốn rút tiền ra. Đồng thời, với các khách hàng đã rút tiền khỏi ACB do lo lắng thái quá trước đó cũng được ngân hàng này đảm bảo tiếp tục tính lãi suất nếu gửi tiền lại. Qua ghi nhận thì nhiều khách hàng đã quay lại gửi tiền tại ACB. Thậm chí từ ngày 27/8, ACB còn triển khai chương trình ưu đãi “Khuyến khích gửi lại” cho tất cả các khách hàng đã rút tiền tiết kiệm từ ngày 21 đến hết ngày 25/8. Theo đó, khách hàng đã rút tiết kiệm nếu gửi lại sẽ nhận được quà tặng, đồng thời khách hàng rút trước hạn nay gửi lại sẽ được ACB giữ nguyên lãi suất ghi trên sổ khi đáo hạn, thay vì chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn.

Điểm lại diễn biến tình hình thị trường như vậy để thấy một điều, thiệt hại sẽ đến với người gửi tiền và các NĐT khi có những quyết định mang tính “bầy đàn” và nóng vội. Đáng chú ý nhất là sau những diễn biến vừa qua, nếu NĐT tham gia trên TTCK hay vàng có thể bị “thâm thủng” khá lớn từ chính những khoản tiền dành dụm bấy lâu nay thì tiết kiệm cho thấy vẫn là kênh giữ được an toàn và lợi nhuận ổn định cho khách hàng. Nói vậy để thấy trong số các kênh đầu tư hiện nay thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là một lựa chọn hàng đầu mà người dân cần quan tâm.

Gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn tốt nhất

Theo ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối NHTMCP Quốc tế (VIB), có thể gửi tiền vào ngân hàng không thực sự hấp dẫn như lợi nhuận có thể mang lại từ các kênh khác, nhưng rõ ràng đây vẫn là kênh an toàn nhất. “Đầu tư vào vàng hay chứng khoán có thể hôm nay lên đấy nhưng mai lại xuống ngay, có khi lợi nhuận bằng 0, thậm chí thua lỗ. Cho nên gửi tiền vào ngân hàng vừa chắc chắn phần gốc, lại nhận được lãi suất 9% (đối với tiền đồng) là quá ổn, nhất là so với tốc độ lạm phát hiện nay”, ông Trung nhìn nhận. Đấy là chưa kể, khi đầu tư vào các kênh như vàng hay chứng khoán đòi hỏi NĐT phải có những kiến thức và hiểu biết nhất định, đồng thời phải tiếp nhận và xử lý rất nhiều nguồn thông tin hàng ngày để đảm bảo các quyết định đầu tư đưa ra hợp lý và đúng thời điểm nhất. Điều này rõ ràng không phải dễ, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư này hàm chứa rủi ro rất lớn khi mà các yếu tố đầu cơ, “làm giá” của các đại gia vẫn diễn ra khá phổ biến.


Tiết kiệm vẫn được nhiều người dân lựa chọn. (Ảnh: PV)

Hỏi một người dân vừa đi từ phòng giao dịch của một NHTMCP trên đường Xã Đàn, Hà Nội ra, được biết, bà vừa đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng này. Bà khẳng định không mấy lo lắng về gửi tiền tại ngân hàng sau những vụ việc vừa qua. “Tôi chọn gửi tiết kiệm bằng tiền đồng vì “tiền đô” lãi suất thấp hơn so với các kênh khác như chứng khoán và vàng, nhưng với những người già như chúng tôi vừa thiếu kiến thức, vừa nghe bảo rủi ro rất lớn nên không dám tham gia, còn mua bất động sản thì không đủ khả năng”, bà cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB, cuối tuần trước tâm lý khách hàng đã ổn định hơn nên lượng người rút tiền giảm đi rất nhiều. Đặc biệt số khách hàng tiếp tục gửi tiền lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Số lượng gửi mới với tổng số tiền là hơn 1.000 tỷ đồng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc, phụ trách khối tiền tệ và thị trường vốn của ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, gửi tiền đồng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả. “Đầu tư vào nhà đất hay chứng khoán, vàng thì khẩu vị rủi ro sẽ rất khác. Ví dụ, khi đầu tư bất động sản, ngoài , ngoài rủi ro về giá thì thanh khoản cũng là một vấn đề vì khi muốn bán ngay chưa chắc đã bán được”, ông Hải nói và nhận định thêm: “Trong lúc các kênh đầu tư như vàng hay chứng khoán còn nhiều khó khăn và rủi ro hiện nay thì kênh tiết kiệm tiền đồng là một lựa chọn tốt cho mọi người”.

Nhìn từ góc độ toàn cầu, ông Godfrey Swain - Giám đốc khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân và Quản lý Tài sản HSBC Việt Nam cho rằng, mặc dù các kênh đầu tư như cổ phiếu, vàng, quỹ đầu tư, trái phiếu và những sản phẩm cấu trúc ngày càng trở nên phổ biến song gửi tiền ngân hàng vẫn là một hình thức tiết kiệm được quan tâm nhiều nhất tại nhiều quốc gia, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn.

“Khách hàng có thể đặt niềm tin gửi tiền vào các ngân hàng tên tuổi, có nền tảng tài chính vững mạnh vì vừa được an toàn về vốn, đồng thời nhận được tiền lãi đều đặn theo kỳ gửi”, ông Godfrey Swain cho biết. Những khách hàng kinh nghiệm với các hình thức đầu tư và không ngại rủi ro có thể cân nhắc các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, tất cả các loại hình đầu tư này đều bao hàm cả yếu tố rủi ro về vốn song hành cùng với lợi nhuận. “Chính vì vậy, tiền gửi ngân hàng vẫn luôn là công cụ lựa chọn cho những người luôn tìm kiếm sự an tâm và an toàn cho những khoản tiền của họ”, vị này khẳng định.

Theo Đỗ Phạm (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.