Chỉ còn 9 ngày nữa, gói tín dụng 30 nghìn tỷ cho vay ưu đãi lãi suất sẽ chính thức được giải ngân. Nhiều người thu nhập thấp đang thấp thỏm mong chờ mình sẽ trở thành đối tượng được vay vốn. Tuy nhiên, đến giờ, ngoài nội dung thông tư, vẫn chưa có hướng dẫn thủ tục từ phía các ngân hàng (NH). Xem ra, con đường tiếp cận vốn ưu đãi của người thu nhập thấp cũng sẽ không dễ dàng gì.
Chỉ còn 9 ngày nữa, gói tín dụng 30 nghìn tỷ cho vay ưu đãi lãi suất sẽ chính thức được giải ngân. Nhiều người thu nhập thấp đang thấp thỏm mong chờ mình sẽ trở thành đối tượng được vay vốn. Tuy nhiên, đến giờ, ngoài nội dung thông tư, vẫn chưa có hướng dẫn thủ tục từ phía các ngân hàng (NH). Xem ra, con đường tiếp cận vốn ưu đãi của người thu nhập thấp cũng sẽ không dễ dàng gì.

Thấp thỏm đợi giờ G

Là người làm công ăn lương và tự nhận mình chỉ có thu nhập “ba cọc ba đồng”, anh Văn Lĩnh, đang thuê trọ ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, vì còn thiếu khoản tiền đóng đợt cuối để nhận nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên- Hà Nội), nên kể từ mấy tháng nay, khi dự thảo thông tư mới công bố, anh đã rất quan tâm và mong chờ vào gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30 nghìn tỷ được giải ngân từ ngày 1/6 này. Tuy nhiên, khi đọc kỹ Thông tư 11/2013/TT của NHNN và Thông tư 07/2013/TT của Bộ Xây dựng, anh mới ngớ người ra là mình không thuộc đối tượng được vay.

“Theo Thông tư 11, chỉ các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7/1/2013 mới thuộc đối tượng được cho vay, trong khi hợp đồng mua nhà của tôi lại được ký trước thời điểm 7/1/2013 nên bị… gắp khỏi mâm”, anh Lĩnh than thở.

Nhận định về khả năng tiếp cận vốn của khách hàng với gói tín dụng ưu đãi này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người thu nhập thấp sẽ không dễ tiếp cận vốn vì họ phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí mà gói tín dụng đưa ra. Ví dụ như phải chứng minh được thu nhập đủ trả nợ, dĩ nhiên là không thể quá thấp, mà phải có giới hạn của nó. Hay những người đã vướng vào nợ xấu, hay đã có “tiền án” về việc thu hồi nợ, tiền án về thương mại và hình sự, những người không đủ chỉ tiêu về thu nhập, hay những người thu nhập đủ, nhưng chi tiêu quá mức… đều khó tiếp cận vốn.

Người thu nhập thấp được trả nợ trước hạn nếu có nhu cầu.

“Theo cách tính của các NH thì chi tiêu chiếm khoảng 50% thu nhập. Chẳng hạn 1 gia đình 2 vợ chồng đi làm, thu nhập 10 triệu đồng, thì tiền trả nợ sẽ vào khoảng không quá 5 triệu đồng - mà mức này cũng sẽ khó tiếp cận vốn. Hiện tại chưa có chi tiết rõ ràng về mức thu nhập. Khi có chi tiết cuối cùng thì sẽ có mức cụ thể. Nhưng thường thì nếu khách hàng tính trả nợ tới 70-80% thu nhập là NH sẽ không chấp nhận, vì mức này chắc chắn sẽ phá sản, vỡ nợ, chỉ trả được trong vòng 1 vài năm, rồi cả nhà kéo nhau ra đường hết”, ông Hiếu phân tích.

Thông tin cụ thể: tiếp tục đợi

Theo quy định, ngày 1/6 tới đây, Thông tư 11 sẽ bắt đầu có hiệu lực. Nghĩa là còn chỉ hơn một tuần nữa, việc cho vay vốn lãi suất 6% sẽ được triển khai. Sốt ruột, nhiều gia đình có nhu cầu thực sự về nhà ở đã tìm đến gõ cửa các NH thuộc diện cho vay gói vốn 30.000 tỷ này để hỏi thông tin. Nhưng câu trả lời họ nhận được vẫn chỉ là một lời hứa, lúc nào triển khai sẽ có thông tin cụ thể.

Sáng 22/5, tại Agribank Chi nhánh Láng Hạ, nhân viên tín dụng cho biết, hiện chi nhánh này vẫn chưa nhận được thông báo gì về việc triển khai gói cho vay lãi suất 6% từ hội sở. Đây cũng là câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ một nhân viên chi nhánh khác của Vietcombank.

Thông tin duy nhất có vẻ có “tín hiệu lạc quan” là từ một lãnh đạo của chi nhánh NH MHB ở Tây Nguyên cho biết, hiện NHNN đã có thông tư hướng dẫn nội bộ dành cho 5 đơn vị được chỉ định thực hiện cho vay vốn. Theo tinh thần thông tư, chi nhánh NH này đã lên danh sách các khách hàng đủ điều kiện vay vốn để chào mời. Tuy nhiên, cụ thể các thủ tục triển khai như thế nào thì vẫn phải cần thêm những hướng dẫn cụ thể từ phía NHNN.

Còn từ phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết cũng đã nhận được nhiều ý kiến xung quanh gói hỗ trợ này. Có ý kiến cho rằng, Thông tư 11 của NHHN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP “không rõ ràng về mục tiêu chính sách”.

NHNN cho biết, chương trình 30.000 tỷ của Chính phủ không phải là “cứu thị trường bất động sản”, mà tạo cơ hội cho một số lượng người thu nhập thấp, trung bình trong xã hội có thể có một chỗ ở hợp lý với mong muốn từ gói này tạo niềm tin cho thị trường và từ sự “ấm” dần lên của phân khúc thị trường này sẽ có tác động lan tỏa tới các phân khúc khác của thị trường; góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường bất động sản cho sát với nhu cầu thực của xã hội hơn. Cùng với đó, NHNN cũng cho biết, tuy thời hạn ưu đãi lãi suất là 10 năm, nhưng người dân hoàn toàn có thể trả nợ trước hạn.

Về thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm, thông điệp NHNN đưa ra rất rõ ràng là thời hạn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm và đây là sự nỗ lực của ngành NH. Thực tế từ trước đến nay cũng chưa có chương trình hỗ trợ nào có quy mô và thời gian dài như vậy. Vì vậy, người mua nhà cần có phương án tài chính rõ ràng, cụ thể trước khi quyết định mua nhà và vay vốn của chương trình

Hà An (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.