Theo thông tư 07 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ (song hành với Thông tư 11 của NHNN), Bộ Xây dựng gần như đã mở hết cỡ cho các đối tượng được tham gia vay. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho người dân mua nhà nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người nghi ngại về việc “pha loãng” chính sách này.

Lao động tự do cũng được cho vay

Theo Thông tư 07, có 4 đối tượng được vay để mua nhà ở xã hội bao gồm: Thứ nhất, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội.

Thứ hai, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Thứ ba, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Và cuối cùng là các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đáng chú ý, quy định về đối tượng được vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được mở ra khá rộng: cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối tượng thu nhập thấp là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.

"Rất khó để hạn chế đối tượng khi nhà ở được hỗ trợ vay vốn là nhà ở thương mại, nhưng việc mở quá rộng đối tượng mà gần như ai cũng có thể mua được sẽ dẫn đến cơ chế xin - cho. Lấy thí dụ quy định 8m2 sử dụng/người nếu quản không tốt sẽ dễ dàng bị biến tướng, từ đó người không đủ tiêu chuẩn lại được mua còn người chưa có nhà lại có thể bị gạt bỏ. Cơ chế công khai minh bạch, ai là người được thụ hưởng, ai là người không được thụ hưởng cần phải rõ, tránh biến tướng." - GS. Đặng Hùng Võ

Về điều kiện để vay vốn thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, các đối tượng phải đáp ứng các yêu cầu như: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội.

Cụ thể nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người; có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, người vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Đối với trường hợp tạm trú phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên.

Ngoài ra, để vay vốn các đối tượng phải có xác nhận của cơ quan nơi công tác và xã, phường có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết theo quy định, tất cả những người không phải đóng thuế thu nhập, tức có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng là người có thu nhập thấp.

Tính khả thi đến đâu?

Như vậy với những quy định trong Thông tư 07, những đối tượng được vay lãi suất ưu đãi gần như được mở “hết cỡ”. Ngoại trừ những người dân tạm trú đóng bảo hiểm xã hội dưới 1 năm, tất cả những cư dân còn lại chưa có nhà ở hoặc có nhà ở dưới 8m2 sử dụng/người đều có thể được hỗ trợ vay vốn trích từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để mua nhà. Chính cơ chế “quá thoáng” này đã khiến không ít chuyên gia ngần ngại về tác động không được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, theo một chuyên gia tài chính, do đối tượng được mở quá rộng nên các ngân hàng sẽ cực kỳ “đau đầu” khi tiếp nhận hồ sơ, bởi giải ngân cho những đối tượng thu nhập thấp gần như là ngân hàng đã “đánh cược” vào khả năng trả nợ.

Cũng không loại trừ khả năng phần lớn hồ sơ sẽ bị loại vì không đạt yêu cầu. “Nếu là lao động tự do, ngân hàng dựa vào đâu để tính thu nhập?

Hoặc là đối tượng thu nhập thấp đã có một ít tiền để mua nhà từ nguồn tiền nào đó, nhưng cả gia đình thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, khả năng chi trả gần như là không có thì ngân hàng có cho vay không? Chưa kể đến gói hỗ trợ cho người mua chỉ có 21.000 tỷ đồng (70%) mà đối tượng lại quá rộng, hiệu quả sẽ bị giảm bớt”- chuyên gia này cho biết.

Trên thực tế, những lo ngại trên không phải là không có cơ sở nếu so với sự kỳ vọng của người dân dành cho gói tín dụng này. Tiền có hạn, lãi suất thấp nhưng đối tượng mở rộng, sự cạnh tranh quá lớn sẽ dẫn đến cơ chế xin - cho hoặc sự thất vọng của không ít người dân có nhu cầu mua nhà.

Để giải quyết tình trạng này, theo GS. Đặng Hùng Võ, không còn cách nào khác là cứ thực hiện, đồng thời theo dõi thật sát sao để có những điều chỉnh về mặt chính sách bởi cơ sở dữ liệu của thị trường bất động sản còn quá yếu, nhu cầu của người dân, mức thu nhập… vẫn còn là một ẩn số mơ hồ. Đây cũng là nhận định của nhiều quan chức Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, hứa hẹn về sự mở rộng gói tín dụng nếu như mang lại hiệu quả cho thị trường bất động sản.

Khôi Nguyên (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.