Chương trình cho vay ưu đãi sắp hết hạn nhưng nguồn vốn vẫn chưa có dẫn đến lo ngại chính sách sẽ không đi vào thực tiễn.
Theo Quyết định số 1013 ngày 6/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ áp dụng đến hết ngày 31/12/2016. Mặc dù văn bản hướng dẫn đã có, nhưng đến nay vẫn chưa biết nguồn vốn để thực hiện chương trình này sẽ lấy từ đâu. Chính sách chậm trễ triển khai, thì người thu nhập thấp sẽ mất cơ hội vay vốn ưu đãi để mua nhà.
Việc triển khai gói hỗ trợ đang dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn và nguồn vốn vẫn chưa biết lấy từ đâu. (Ảnh minh họa: KT)
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà kết thúc, đầu tháng 6 vừa qua, người thu nhập thấp cả nước đón nhận tin vui khi Chính phủ có Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/ năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100. Theo đó, các nhóm đối tượng được quy định trong Nghị định 100 về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi này.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn chỉ dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn, còn yếu tố quan trọng nhất là nguồn vốn thì vẫn chưa biết lấy từ đâu. Trong khi đó, Quyết định của Chính phủ nêu rõ thời hạn thực hiện chương trình cho vay ưu đãi 4,8% là đến 31/12/2016. Điều này càng góp phần làm cho phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội rơi vào cảnh trầm lắng.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lo lắng, hiện các chủ đầu tư không còn được vay vốn ưu đãi, khách hàng thì chờ đợi chưa được vay vốn để mua nhà. Sự thiếu liên tục của các chính sách khiến cho chương trình phát triển nhà ở bị ách tắc, nhiều dự án dang dở.
“Các gói hỗ trợ phải làm sao được giải ngân liên tục. Hiện nay các ngân hàng có xu hướng chờ hết gói 30.000 tỷ mới triển khai gói mới. Đây sẽ là một sai lầm, vì cuộc sống của dự án phải có tính liên tục, trong khi khách hàng cũng luôn ủng hộ chủ trương về nhà ở xã hội của Chính phủ”, ông Tuấn cho biết.
Lý giải về việc chưa có nguồn vốn để thực hiện chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất 4,8%, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ đã có rất nhiều văn bản phối hợp, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, cùng Chính phủ bàn thảo nhưng hiện nay đang còn thu xếp nguồn vốn.
“Đây là nguồn vốn đầu tư công trung hạn, phải tuân thủ pháp luật về đầu tư công, cân đối các nguồn vốn khác, cho nên hiện đã có chính sách, mức lãi suất 4,8%. Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành quy chế cho vay, Thông tư hướng dẫn Nghị định 100 của Bộ Xây dựng cũng đã có, chỉ còn chờ tìm được nguồn vốn thì sẽ cho giải ngân”, Thứ trưởng Duy đưa ra tín hiệu khả quan.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về thực trạng và giải pháp phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Hiệp hội thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xem xét đề xuất bố trí khoảng 500 – 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất.
Theo nhiều chuyên gia, nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn khó có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Ngọc Dương nhận định, hiện phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang có xu hướng tăng giá rõ rệt, nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm, chậm trễ trong triển khai chính sách hỗ trợ người thu nhập mua nhà. Vì vậy, nếu không nhanh chóng sắp xếp nguồn vốn để tiến hành giải ngân, thì nhiều người thu nhập thấp sẽ mất cơ hội mua được nhà tại các thành phố lớn.
“Nhà ở xã hội tăng giá khá nhiều. Chẳng hạn như một dự án ở quận 12 TP HCM hồi đầu khoảng 700 triệu 60 mét vuông đến nay giao dịch trung bình lên tới hơn 900 triệu đồng. Cứ chậm trễ về thủ tục sẽ dẫn đến những người có tiền nhiều hơn họ sẽ mua dù giá bị đẩy lên cao, người dân không có tiền vay thì sẽ mất cơ hội mua nhà”, ông Dương nhận định.
Được vay vốn với lãi suất 4,8% để mua nhà là mơ ước của nhiều người thu nhập thấp. Chỉ còn gần 3 tháng nữa là chương trình cho vay này hết thời hạn. Nếu tiếp tục chậm trễ bố trí nguồn vốn, thì rất có thể chính sách sẽ không đi vào thực tiễn, vì người dân cũng phải mất không ít thời gian để có thể hoàn thiện các thủ tục vay vốn.
Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.