Người có khó khăn về nhà ở được xác định là đích đến của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhưng xem ra, câu chuyện đang có chiều hướng bất khả thi.

Trong số hàng chục ý kiến phản hồi của độc giả Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, thì hầu hết đều nói về sự nhiêu khê trong quá trình triển khai thủ tục vay vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Hùng (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khi gia đình làm đơn xin vay vốn ngân hàng để mua nhà ở xã hội, thì được phía ngân hàng yêu cầu phải có giấy xác nhận chưa có nhà ở.

Khi khách hàng này lên phường để xin xác nhận chưa có nhà ở, thì chính quyền phường không xác nhận, với lý do không quản lý lĩnh vực này và cũng chưa có công văn chỉ thị từ tuyến trên!

Phải thừa nhận rằng, trong tình huống này, chính quyền địa phương cấp phường đã phản ứng không sai.

Công văn 1250/BXD - QLN của Bộ Xây dựng xác định đối tượng điều kiện và đối tượng cho vay ưu đãi chuyển đến các ngân hàng thương mại là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và MHB ngày 26/6 cho biết, “do việc xét duyệt đối tượng, điều kiện được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP và nhà ở thu nhập thấp theo quy định tại Quyết định 67/2009/QĐ-TTg đã được thực hiện rất chặt chẽ, vì vậy, hộ gia đình, cá nhân khi có hợp đồng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đã ký kết với chủ đầu tư dự án sau ngày 7/1/2013, được coi là đủ điều kiện được vay trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Ngân hàng không yêu cầu thêm các thủ tục xác nhận về đối tượng, điều kiện khác”.

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể đặt ra những loại “giấy phép con” khác trong việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi từ phía người dân. Thực tế, rất khó để người dân “bắt lỗi” chính quyền địa phương, hoặc ngân hàng khi Nghị định 71/2010/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở yêu cầu điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là người “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội...

Quy định về vấn đề này thuộc về trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố. Vấn đề đặt ra ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào “độ mở” từ ngân hàng trong việc cho phép người dân tiếp cận gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Trở lại câu chuyện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho bất động sản, phải nói rằng, đây là chuyện “vạn bất đắc dĩ” nhằm cứu thị trường bất động sản khỏi tình trạng đóng băng trong suốt thời gian dài vừa qua. Người có thu nhập trung bình, có khó khăn về nhà ở được xác định là đối tượng duy nhất có khả năng “giải cứu” thị trường bất động sản khỏi tình trạng tồn kho, nợ xấu đã được thừa nhận trong nhiều báo cáo của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, triển khai trên thực tế lại là câu chuyện khác.

Ở đâu đó, đã có những lo ngại về việc gói tín dụng liệu có đến được với người nghèo, người có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở, hay lại “chảy” vào túi đại gia và lo ngại này không phải là không có cơ sở. Hướng dẫn của Bộ Xây dựng xác định “hộ gia đình, cá nhân khi có hợp đồng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đã ký kết với chủ đầu tư dự án sau ngày 7/1/2013, được coi là đủ điều kiện được vay trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở”.

Điều này cũng có nghĩa, việc người dân có vay được vốn hay không, vay để mua dự án nào... hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đầu tư các dự án (phải có hợp đồng ký kết với chủ đầu tư).

Quang Hà (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.