Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, mới đây đã đưa ra nhận định: “Giải ngân được gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản sẽ có khả năng tạo ra 1% GDP mỗi năm”. Nhưng gói hỗ trợ này có vẻ cũng đang… bất động không kém thị trường bất động sản!

Tính đến 15/10 trên toàn quốc đã có 84 dự án nhà ở xã hội được triển khai

Thất bại

Lý giải nguyên nhân chính của sự chậm trễ khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, muốn giải ngân nhanh gói tín dụng này phải có nguồn cung nhà xã hội lớn hoặc nhiều nhà ở thương mại dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70m2/căn hộ.

Nhưng cung nhà ở xã hội không thể tăng nhanh được, vì chiến lược nhà ở mới triển khai và quá trình phát triển nhà ở xã hội cần dài hạn.

Bên cạnh đó, đầu tư nhà ở xã hội không được DN “mặn mà” do lợi nhuận thấp hơn nhà ở thương mại.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính đến ngày 15/10/2013, trên toàn quốc đã có 84 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 51.895 căn hộ. Cả nước cũng đã có 56 chủ đầu tư dự án đăng ký xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, với quy mô 34.533 căn hộ.

Tuy nhiên, việc cho phép chuyển đổi dự án đạt tiến độ chậm, tại Hà Nội mới có 15 dự án được chấp thuận chủ trương và 3 dự án có quyết định chính thức, tại TP.HCM mới có 1 dự án được chính thức chuyển đổi.

Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất cho 59 dự án từ 26 tỉnh, thành phố trên cả nước được vay vốn từ gói hỗ trợ, còn 39 dự án đang thẩm định hồ sơ.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Ngân hàng nhà nước (NHNN) mới xác nhận 7 trường hợp DN được cam kết cho vay 870 tỷ đồng và 4 DN trong số đó chỉ được giải ngân 122 tỷ đồng; trong số 939 khách hàng cá nhân được ngân hàng cam kết cho vay với số tiền là 333 tỷ đồng, có 905 khách hàng đã được giải ngân, với dư nợ 220 tỷ đồng.

“Với tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến nay mới được khoảng 1% thì coi như giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản trong năm 2013 này đã thất bại hoàn toàn”, ông Mại thẳng thắn đánh giá và cho rằng, nguyên nhân chậm trễ nằm ngay nội tại các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này.

Khắc phục

Để tìm hiểu lý do vì sao thiếu nguồn cung, ĐTCK đã khảo sát và tìm hiểu tại một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội thì nhận thấy có hai nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ. Thứ nhất là do các quy định pháp luật còn nhiều bất cập; thứ hai là do chính các DN không “mặn mà”.

Điều này dẫn tới một vòng luẩn quẩn: thiếu nhà ở xã hội hoặc các dự án thiếu thủ tục, nên không thể cho vay; vì không thể vay được nên các dự án càng chậm trễ.

Cụ thể, giữa năm 2013, một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đã rầm rộ khởi công, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Chẳng hạn, tại Dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm do HUD làm chủ đầu tư, sau khi khởi công vẫn còn “vướng” vì chưa được bàn giao đất; Dự án 143 Trần Phú (quận Hà Đông) và 30 Phạm Văn Đồng sau khởi công vẫn chưa có giấy phép xây dựng nên đành “đắp chiếu”; Dự án của C.E.O Group tại Quốc Oai sau khởi công vẫn chẳng thấy động tĩnh gì vì không có khách...

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quy định trước đây là dự án khu đô thị đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 thì khi tiến hành xây dựng không phải xin phép, nhưng nay theo quy định tại Nghị định 64 thì bất kể dự án nào khi xây dựng đều phải có giấy phép…, khiến tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội chuyển đổi nói riêng và dự án nhà ở xã hội nói chung bị chậm lại.

Để khắc phục tồn tại, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý nhà ở xã hội (có hiệu lực từ tháng 1/2014). Nhưng theo đánh giá của các DN, nghị định này không có nhiều điểm mới, mà chủ yếu là tổng hợp các quy định đã có tại nhiều văn bản về nhà ở xã hội mà thôi.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số hướng dẫn, xác định đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở, theo hướng mở rộng hơn. Tuy nhiên, về bản chất không có gì thay đổi ở điều kiện vay, khi thông tư mới vẫn giữ nguyên yêu cầu “trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh thu nhập để bảo đảm phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định ngân hàng”.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, để đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thì phải có những chế tài cụ thể hơn. Ví như DN khi tham gia được hưởng nhiều ưu đãi thì phải có cam kết về tiến độ, các cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát, nếu DN nào cố tình “câu giờ” thì phải mạnh tay xử phạt. Đối với khách hàng, chỉ cần có “vốn đối ứng” khoảng 30% nộp tại ngân hàng là có thể cho vay mà không cần nhiều văn bản xác nhận nữa.

Minh Nhật (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.