Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, khi triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo nghị quyết 02/NQ-CP, nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra những điều kiện quá “khắt khe” khiến doanh nghiệp và người dân đều khó tiếp cận.

Ngân hàng nhà nước cho biết, sau 2 tháng chính thức giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng, các ngân hàng đã cho 2 doanh nghiệp là công ty CP Tư vấn, thương mại và dịch vụ Hoàng Quân (TPHCM) vay 540 tỷ đồng, công ty CP Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Huế vay 117 tỷ đồng trong đó đã giải ngân 34 tỷ đồng.

Đối với các hộ cá nhân, gia đình, ngân hàng đã cam kết cho vay 150 khách hàng với số tiền 46 tỷ đồng, đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng cho 139 khách hàng. Ngoài ra, theo báo cáo ngân hàng Vietinbank thì ngân hàng này đang tiếp nhận 160 hồ sơ, ngân hàng BIDV nhận 100 hồ sơ. Hiện, các ngân hàng này đều đang tích cực thẩm định để cho vay theo quy định.

Ảnh minh họa

Như vậy, qua con số thống kê cho thấy việc triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng đang có phần chậm chễ mà theo phán ảnh của nhiều doanh nghiệp thì nguyên nhân là do ngân hàng đưa ra điều kiện rất ngặt nghèo.

Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng gói 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành cho vay hỗ trợ nhà ở là chủ trương đúng đắn và được người dân rất trông đợi, thị trường cũng rất cần. Nhưng sau một thời gian đi vào thực tiễn, những người thu nhập thấp, doanh nghiệp thất vọng khi tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã gặp ngân hàng BIDV, Vietinbank, các ngân hàng được giải ngân gói tín dụng này tuy nhiên vướng mắc là các chi nhánh ở các địa phương đều trả lời là chưa có hướng dẫn của hội sở, chưa biết phải ký cho vay như thế nào, cam kết ra sao. Thậm chí, để được giải ngân, các ngân hàng còn yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ sổ đỏ mới cho vay. Trong khi đó, việc đòi hỏi sổ đỏ cho dự án nhà thu nhập thấp là khó vì nhà thu nhập thấp thực tế mới triển khai từ 2010 đến nay. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn yêu cầu nếu dự án không có sổ đỏ, khách hàng mua nhà không trả được nợ thì chủ đầu tư phải đứng mua lại căn hộ đó. Chúng tôi đồng ý mua lại và trả cả gốc, lãi cho ngân hàng nhưng vướng ở chỗ chưa có văn bản nào hướng dẫn việc mua lại căn hộ đó như thế nào” ông Thành chia sẻ.

Trong khi các doanh nghiệp vướng thủ tục, người mua nhà lại “mắc” ở điều kiện chứng minh thu nhập. Bởi khi tiến hành cho vay, các ngân hàng yêu cầu khách hàng là hộ gia đình phải chứng minh thu nhập để đảm bảo khả năng trả nợ. Trong khi đó phần lớn các hộ gia đình đều là đối tượng có thu nhập thấp.

Mặc dù trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn, trong thông tư hướng dẫn, Bộ Xây dựng đã đồng ý cho phép người mua nhà ở xã hội được thế chấp chính căn hộ mà mình mua để làm tài sản đảm bảo cho ngân hàng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục thì các phòng công chứng lại không chứng nhận những hợp đồng này với lý do là nhà ở xã hội không được chuyển nhượng trong vòng 10 năm....

Trước những phản ảnh của doanh nghiệp, người dân, PV đã trao đổi với lãnh đạo ngân hàng. Theo ông Trần Lục Lang – Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV, khi triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng, bản thân về phía ngân hàng không thấy có vướng mắc gì. Ngân hàng đã hướng dẫn các chi nhánh thực hiện đúng quy trình theo thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, về việc xác nhận thủ tục hiện nay chỉ còn vướng phần công chứng các tài sản đảm bảo do vậy đề nghị các Bộ ngành liên quan sớm giải quyết. Phía ngân hàng chỉ cần phải xác minh lại khả năng trả nợ của khách hàng, điều kiện cho vay....

"Gói 30 nghìn tỷ đồng được Ngân hàng nhà nước chỉ định cho 5 ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp 6% và Ngân hàng nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời gian tối đa là 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng" ông Lang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình giải ngân, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị với Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian xem xét thẩm định dự án. Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước thành lập tổ công tác để kiểm tra công tác thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở tại các Ngân hàng thương mại nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này sinh trong thực tế và đôn đốc các ngân hàng chậm hoặc không tích cực triển khai gói tín dụng này.

Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.