Các công ty bất động sản đang phải triển khai nhiều giải pháp để tự cứu mình. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm đặc thù, chịu nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ của cơ quan quản lý, nên doanh nghiệp đang gặp rất nhiều nút thắt cần được tháo gỡ.

Nếu cơ quan quản lý không vào cuộc, thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn

Một năm chờ duyệt giá

Dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) tại Cầu Diễn đã hoàn thành xong khoảng 1 năm. Vị trí của khu đất khá đẹp, ngay cạnh UBND huyện Từ Liêm, Dự án gồm 62 căn hộ diện tích từ 50 - 80 m2, giá bán chủ đầu tư đưa ra là 12 triệu đồng/m2. Hiện số người đăng ký mua đáp ứng đủ điều kiện do TP. Hà Nội đề ra đã đủ và Công ty đã lập danh sách theo quy định. Tuy nhiên, để được ký hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư phải đợi Thành phố duyệt giá và danh sách người mua.

“Hồ sơ đã được đưa lên từ đầu năm, song nội dung gì cũng phải đưa ra cuộc họp liên ngành, liên sở. Chúng tôi cho cán bộ hỏi liên tục, cắt cử người chuyên biệt để lo đáp ứng các thủ tục cần bổ sung, nhưng đến giờ vẫn chưa xong”, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT NTL cho biết.

Có thể nói, trong trường hợp này, không thể coi những căn hộ thuộc Dự án Cầu Diễn của NTL là hàng tồn kho, vì nhà xây xong và đã có người đăng ký mua. Song sự chậm trễ của các cơ quan quản lý đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả khách hàng.

Đây không phải là chủ đầu tư duy nhất gặp khó khăn trong việc phê duyệt giá bán và danh sách người đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp. Không ít doanh nghiệp cho hay, nếu suôn sẻ, họ cũng phải mất tới 3 - 4 tháng để hoàn tất các thủ tục trên, còn nếu không, việc này có thể kéo dài cả năm. Việc giải quyết các thủ tục liên quan đến nhà đất của Hà Nội theo phản ánh của các doanh nghiệp là rất chậm. Bên cạnh thị trường trầm lắng, khách hàng ngày càng khó tính, thì chính sự chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Thuế nhà đất “chặn” doanh nghiệp

Cũng có quỹ nhà đủ điều kiện để bán, nhưng khó khăn đến với CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - SJS) lại nằm ở khâu tiền sử dụng đất và giá bán nhà cho khách hàng. Công ty này đang phải tìm lối thoát cho Dự án Chung cư Văn La - Văn Khê. Trước đây, Sudico huy động vốn góp tại Dự án (chủ yếu từ cán bộ nhân viên) với giá trên 17 triệu đồng/m2, nay thị trường giảm mạnh, HĐQT Công ty vừa họp và dự kiến xem xét điều chỉnh giá bán (hiện đã đủ điều kiện chuyển sang hợp đồng mua bán) xuống quanh mức 14 - 15 triệu đồng/m2. Tại dự án này, tiền sử dụng đất Công ty đã nộp hết một ở mức tương đương với mức giá đầu ra được các cơ quan quản lý áp là 17 - 18 triệu đồng/m2, nay giá bán điều chỉnh, Sudico đã có văn bản đề nghị các cơ quan quản lý xem xét điều chỉnh lại tiền sử dụng đất hoặc có giải pháp gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT Sudico cho hay, dự án này may mắn lắm Công ty mới hòa vốn, còn nếu không chắc chắn sẽ lỗ.

Cơ chế áp thuế sử dụng đất theo giá dự kiến bán sản phẩm, đồng thời thu một lần trước khi dự án được khởi công đang đẩy nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có dự án tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) vào thế “cưỡi lưng hổ”. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều dự án nhà ở thương mại có vị trí tại trung tâm hành chính quận Hà Đông nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn 2009 - 2011 đều chịu mức giá dự kiến bán sản phẩm từ 18 - 20 triệu đồng/m2. Nay thị trường giảm mạnh, giá căn hộ chung cư khu vực này giảm xuống còn 15 - 16 triệu đồng/m2, buộc các chủ đầu tư phải hạ giá nếu muốn bán được hàng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nếu điều chỉnh giá bán theo giá thị trường, thì doanh nghiệp cầm chắc lỗ. Thậm chí là lỗ lớn.

Khó khăn của thị trường là điều không ai muốn, tuy nhiên có thể thấy, các chính sách liên quan đến bất động sản của Việt Nam đang chạy theo thị trường, nên không lường trước được những khó khăn và thay đổi nhanh của thị trường. Không chỉ doanh nghiệp tự phải tìm lối thoát cho mình, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, thì thị trường bất động sản còn khó dài dài.

  • "Phá băng" bất động sản - Kỳ 2: Khơi thông nguồn cầu

    "Phá băng" bất động sản - Kỳ 2: Khơi thông nguồn cầu

    Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của thị trường bất động sản được các nhà quản lý, chuyên gia chỉ ra là nguồn cung đang vượt cầu, nhà giá cao và trung bình nhiều, trong khi nhà giá rẻ đáp ứng nhu cầu chủ yếu của người dân thì quá ít.

  • Dư nợ bất động sản: 50% hay 5%?

    Dư nợ bất động sản: 50% hay 5%?

    “Hiện nay tôi nắm được dư nợ ngân hàng là 2 triệu tỷ, trong đó vào bất động sản khoảng 1 triệu tỷ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/10.

Theo Thủy Nguyễn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.