Công cụ trần lãi suất được NHNN chính thức sử dụng từ tháng 3 -2008. Đến nay cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất sớm bỏ trần lãi suất để không gây sức ép cho NH và nền kinh tế. Tuy nhiên, NHNN cũng chưa có động thái gì.
Gỡ bỏ hay tiếp tục ấn định trần lãi suất huy động?
Phần lớn các chuyên gia cho rằng, nên để lãi suất vận hành theo luật cung cầu Ảnh: HOÀNG LONG

Kẻ lo...

Quý 1 cũng đã kết thúc với nhiều tín hiệu khả quan trong kiềm chế lạm phát cùng những ngổn ngang khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong suốt 3 tháng vừa qua, NHNN đã ráo riết xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, khoanh vùng các TCTD này. Đồng thời nâng cao tính thanh khoản cho các TCTD bằng cách mạnh tay hơn trong việc cung tiền, nhưng ở mức độ phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà không ảnh hưởng tới lạm phát. Và chính NHNN cũng chốt lời khẳng định rằng, khi kiểm soát được tốt hơn tính thanh khoản của các TCTD thì lúc đó mới có hy vọng bỏ trần lãi suất.

Vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống NHTM hiện nay vẫn là câu chuyện nợ xấu và tính thanh khoản thấp. Vì vậy, điều cốt lõi tại thời điểm này là NHNN cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản.

Thời điểm này thanh khoản của hệ thống NH thế nào vẫn chưa rõ ràng. Tính đến ngày 20-3, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 1,44% so với cuối năm trước; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các NHTM tăng 1,56%; trong khi tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm ước giảm 2,13% so với cuối năm trước.

Trong khi chờ những đánh giá khách quan, thì đến thời điểm này đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc sử dụng công cụ trần lãi suất, đã đến lúc cân nhắc về thời điểm gỡ trần lãi suất. Ngoài lời phàn nàn, trần lãi suất đang là gánh nặng cho các ngân hàng thì phần lớn các chuyên gia cho rằng, nên để lãi suất vận hành theo luật cung cầu.

TS Nguyễn Đình Ánh, Viện Kinh tế tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, khi gỡ trần lãi suất thì ngân hàng mạnh yếu sẽ bộc lộ rõ nét hơn. Khả năng số lượng NH nằm trong diện "hấp hối” sẽ không chỉ dừng lại ở 8 nữa. Chúng ta đang tiến dần thực hiện điều chỉnh cơ chế lãi suất theo cơ chế mở. Mục tiêu cuối cùng là làm cho thị trường tiền tệ trở về đúng nghĩa của nó.

Người mừng...

Đại diện lãnh đạo một NHTM có tiếng tại Hà Nội cho rằng: Không nên duy trì quá lâu một biện pháp hành chính, như thế là "ép khung” các NHTM. Vị lãnh đạo này giải thích với phóng viên: Cuộc chiến huy động vốn với những chiêu lách luật đang diễn ra "vừa ngầm” vừa "công khai” trong lòng các NHTM. Thay vì để sóng ngầm gây ra khó khăn trong kiểm soát, tại sao NHNN không công khai hoá để dễ bề kiểm soát hơn. Lúc đó cứ thấy NH nào huy động cao vượt trội, thì cho vào diện cần kiểm soát chặt chẽ. Trong bối cảnh "NH tìm khách chứ không phải khách tìm NH như hiện nay thì cũng nên gỡ bỏ trần huy động. Nếu không người dân cũng sẽ thiệt”.

Lãnh đạo một NH cổ phần khác cũng nói rằng, giải pháp trần lãi suất mà NHNN đưa ra là để hạn chế sự cạnh tranh lãi suất đang bị đẩy lên quá nóng trong suốt 2 năm vừa qua có thể gây ra thiệt hại cho các NH và làm ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường. "Cá nhân tôi cho rằng những NH nào "khoẻ”, ngân hàng nào tốt thì chăm sóc khách hàng bằng chất lượng dịch vụ. Có nên tiếp tục hay ngưng sử dụng công cụ trần lãi suất cũng không quan trọng bằng việc tạo sự ổn định về mặt tâm lý cho người gửi tiền”.

TS Nguyễn Minh Phong khẳng định: Đã đến lúc xem lại cơ chế trần lãi suất. Bao lâu nay doanh nghiệp chịu sức ép từ NH do NH thoải mái đầu ra nhưng ấn định khung đầu vào. Điều này khiến cho tỷ lệ chênh lệch giữa huy động và cho vay của NH lớn. Họ vay 13% nhưng cho vay 18, 19%. Trong khi bình thường chỉ cần cộng thêm 3% là có lời. Mở trần cho vay thì họ sẽ tìm đến những nguời muốn vay chịu tỷ lệ cao khiến dòng vốn bị dồn tụ ở một số ngành nguy hiểm. Trong khi đó NH cũng chỉ thuần tuý chạy theo lợi nhuận của mình mà không theo chỉ đạo của Chính phủ. Phải mạnh dạn bỏ trần lãi suất huy động, tiến tới khoá trần lãi suất cho vay. Hoặc là áp cả 2 trần. Tạo ra sự cạnh tranh thì nguời dân gửi tiền, doanh nghiệp vay vốn cũng được lợi.
Theo Đại Đoàn Kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh