Các quy định về đất đai đang bị lợi dụng, gây ra sự mất cân bằng trong quan hệ lợi ích giữa người dân có đất và chủ đầu tư.

Nếu tiếp tục duy trì sở hữu toàn dân về đất đai thì cần thiết phải có những thay đổi trong các định chế pháp lý liên quan để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Đó là một trong những nội dung được đề cập trong ngày làm việc đầu tiên (23-7) của hội thảo “Tổ chức bộ máy nhà nước, chế định kinh tế, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 - Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung”, do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tại TP.HCM.

Lý do thu hồi đất quá rộng

Liên quan đến vấn đề trên, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên khoa Luật kinh tế ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Khái niệm sở hữu toàn dân đương nhiên phải hiểu đó là quyền sở hữu chung chí ít của tất cả công dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này về mặt pháp lý, đòi hỏi phải tạo ra một cơ chế để cho tất cả người dân đều có quyền tham gia “định đoạt” và hưởng lợi từ quyền sở hữu này”.

Tuy nhiên, cũng theo PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, khái niệm sở hữu toàn dân lại “không hoàn toàn xác định và dễ bị lợi dụng”.

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, phần lớn các bức xúc xã hội đều có liên quan đến đất đai. Lý do có thể thấy rõ là các quy định về đất đai đang bị lợi dụng, gây ra sự mất cân bằng trong quan hệ lợi ích giữa người dân có đất và chủ đầu tư. PGS Phạm Duy Nghĩa chỉ rõ “lý do để Nhà nước trong thu hồi đất hiện nay là rất rộng rãi, tiện cho cơ quan nhà nước thu hồi đất còn nguồn lợi của người dân có đất nhiều trường hợp chưa bảo đảm”. Theo Điều 38 Luật Đất đai 2003, các lý do đó bao gồm: Các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế.

Các đại biểu đang trao đổi trong giờ giải lao của hội thảo. Ảnh: MC

Quy định rõ hơn về “lợi ích kinh tế”

Một số chuyên gia tại hội thảo cho rằng lý do thu hồi “vì lợi ích cộng đồng, phát triển kinh tế” hiện nay đang bị lợi dụng rất nhiều. Và nếu duy trì điều này trong thời gian sắp tới thì phải có cơ chế để định rõ hơn mục đích “vì lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”.

Về vấn đề này, TS Võ Trí Hảo, giảng viên khoa Luật kinh tế ĐH Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận: “Hiện nay có tình trạng lợi dụng, lập lờ trong mục tiêu phát triển kinh tế để chuyển sang các mục đích có lợi khác cho chủ đầu tư”.

Để tránh tình trạng này, TS Hảo đề nghị cần phải tách bạch rõ hơn việc thu hồi đất vì mục tiêu “phát triển kinh tế” bằng một cơ chế chặt chẽ hơn. “Chúng ta có thể chia nhỏ mục đích “phát triển kinh tế” ra từng mảng cụ thể (thu hồi đất cho các dự án phát triển khu dân cư, cho xây dựng khu công nghiệp, hay làm đường…). Với mỗi mảng thì áp dụng một cơ chế khác nhau, phù hợp cho lợi ích của người có đất bị thu hồi. Chúng ta cũng nên hạn chế các dự án đổi đất lấy hạ tầng. Nếu phải làm thì nên áp dụng cơ chế đấu thầu công khai, tránh tình trạng xin-cho. Việc đấu thầu, áp giá thị trường sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn cho xã hội và tạo đồng thuận trong dân chúng” - TS Hảo nói.

Đảm bảo cao hơn quyền sử dụng đất

Ngoài vấn đề trên, trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải đảm bảo quyền sử dụng đất của người dân bằng một cơ chế an toàn và giá trị hơn. “Cần tăng quyền sử dụng đất của người dân lên để quyền này chắc chắn hơn. Điều đó có thể làm cho việc thu hồi đất khó khăn hơn để bảo vệ lợi ích chính đáng của dân” - PGS Phạm Duy Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Với cơ chế hiện nay, đất đai của người nông dân dễ bị lấy đi hơn và cả chế độ bồi thường cũng không công bằng (như đất đai ở đô thị). Phải công bằng hơn với họ, vì nông dân là lực lượng dễ bị tổn thương và gánh chịu phần lớn chi phí của quá trình công nghiệp hóa”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Đặng Minh Tuấn, giảng viên khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng trong điều kiện sở hữu toàn dân về đất đai tiếp tục được duy trì thì nên quan niệm quyền sử dụng của người dân có đất là quyền tài sản thực sự. Và Nhà nước chỉ có quyền thu hồi với lý do vì lợi ích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia. “Còn với các “lợi ích kinh tế” thì phải có một cơ chế để người dân có thể tham gia thảo luận, góp ý nhằm xác định cụ thể “lợi ích kinh tế” đó như thế nào để chủ động hơn trong thỏa thuận với chủ đầu tư” - TS Tuấn lưu ý.

Trong định hướng sửa đổi Hiến pháp lần này, những nội dung liên quan đến vấn đề đất đai sẽ có nhiều đổi mới nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp tục an tâm sản xuất cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ trên mảnh đất của mình. Chẳng hạn như thời hạn sử dụng đất được giữ lại, hạn điền được mở ra…

TS ĐINH XUÂN THẢO, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.