Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng khẳng định việc cán bộ biết quỹ đất thừa nhưng thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu lợi ích nhóm, xử lý vượt thẩm quyền ở nhiều trường hợp là quá rõ ràng, không cần phải chứng minh

Tại TP Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Hoa - một hộ dân phải giải tỏa thuộc dự án khu Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) - cho biết đã nhận tiền đền bù nhưng ban quản lý (BQL) dự án bảo chưa có đất đền bù nên hơn 1 năm qua phải thuê nhà ở tạm, được chính quyền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống gia đình chị đảo lộn hoàn toàn; các con đi học xa, đưa đón hết sức bất tiện; tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng cũng chỉ thuê được căn phòng nhỏ nhưng xa trung tâm TP, đi lại khó khăn.

Đất nằm trên giấy

Ông Trần Thanh H. (ngụ quận Liên Chiểu) than thở từ khi bị giải tỏa, ông phải đi lại nhiều lần mới nhận được tiền đền bù, chờ đợi hơn cả năm mới được bốc thăm bố trí đất nhưng đất nằm trên giấy chứ chưa có trong thực tế. Gần 1 năm sau mới có đất làm nhà.

Hàng chục hộ dân ở thôn Khuê Đông 1, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cũng hết sức khốn khổ khi TP giải tỏa nơi đây để làm dự án khu du lịch sinh thái làng quê. Hiện nhiều hộ dân vẫn chưa nhận đủ số lô đất đền bù nên tiếp tục bám trụ nơi ở cũ để chờ bố trí. Đơn cử như gia đình bà Trần Thị Đệ vẫn bị nợ 3 lô đất, con trai của bà phải thuê đất dựng tạm cái chòi để buôn bán, sinh sống.

Thông tin việc chính quyền TP Đà Nẵng nợ hơn 1.000 lô đất tái định cư của người dân vùng giải tỏa trong khi quỹ đất tại các BQL dự án thừa đến gần 10.000 lô đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của người dân những vùng giải tỏa. Vì sao lại để xảy ra tình trạng này và trách nhiệm từng cá nhân, cơ quan, đơn vị cụ thể thế nào đã được đưa ra mổ xẻ thẳng thắn tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng hôm 11-12.

Một hộ dân ở TP Đà Nẵng chưa được bố trí đủ đất để làm nhà tái định cư nên phải sống tạm bợ tại nơi ở cũẢnh: Hoàng Dũng

Trước đó, vấn đề này đã được phản ánh tại hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp của HĐND TP Đà Nẵng tổ chức hồi tháng 9 và việc nợ đất tái định cư đã cơ bản được giải quyết. Những trường hợp như chị Nguyễn Thị Hoa hay ông Trần Thanh H. đã nhận được đất để làm nhà. Tuy nhiên, việc để nợ đất kéo dài đã gây thất thoát một số tiền không nhỏ trích từ ngân sách của TP. Cụ thể, từ năm 2012 đến tháng 9-2014, TP đã chi 63 tỉ đồng để giải quyết việc cho người dân vùng giải tỏa thuê nhà khi chưa được bố trí đất.

Ông Nguyễn Quốc Bình, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, đặt câu hỏi: Phải chăng do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, cụ thể là từ UBND TP xuống các ban - ngành liên quan, dẫn đến sai phạm trên?

“Hằng tuần, hằng tháng, các BQL dự án đều họp giao ban với TP mà tại sao các anh không nắm rõ? Vì không bố trí đất mà TP phải bỏ tiền ngân sách bố trí cho dân thuê nhà. Nếu không giấu thì tại sao phải mất tiền ngân sách vô duyên như vậy” - ông Bình thẳng thắn chất vấn và còn cho rằng mặc dù không mất đất nhưng việc để xảy ra sai phạm như thế cần quy kết là hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, phải làm rõ và xử lý hình sự đối với từng cá nhân. Nhiều ý kiến của đại biểu HĐND TP đề nghị các BQL dự án phải bồi hoàn tiền ngân sách chi thuê nhà cho dân khi để thừa quỹ đất dự án.

Không quản lý nổi

Lý giải về vấn đề này, ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng - cho biết từ năm 2009 đến nay, TP giải tỏa hơn 10.000 hộ dân, mỗi năm thực hiện trên 200 dự án lớn nhỏ. Để kịp tiến độ, TP giao cho 17 đơn vị điều hành dự án nhưng không có đầu mối chung, số liệu thống kê không đầy đủ lại quá nhiều đơn vị khiến TP không quản lý nổi.

“Công tác điều hành của các BQL dự án rất lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm, tùy tiện. Nhiều đơn vị báo cáo không trung thực, giấu đất tái định cư, báo cáo không đầy đủ, UBND TP không nắm được. Có dự án thì thiếu đất, dự án thừa đất nhưng giấu đất thành ra TP không hay” - ông Khương trình bày và cho biết mãi đến năm 2013, TP mới thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất; đến năm 2014, các BQL dự án phải bàn giao toàn bộ đất về trung tâm này. Tuy nhiên, hiện nhiều BQL dự án vẫn chưa bàn giao đầy đủ, cụ thể là còn 27% quỹ đất vẫn chưa có hồ sơ. Cuối năm nay, UBND TP sẽ họp để rút kinh nghiệm, tinh giản cán bộ làm việc tại các BQL dự án giải tỏa đền bù cho gọn.

Nhiều đại biểu HĐND TP đặt nghi vấn liệu có dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc giấu đất, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và đề nghị nên xử lý hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng thừa đất dự án, thiếu đất cho dân và gây thất thoát ngân sách.

Theo ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, việc cán bộ biết quỹ đất thừa nhưng thiếu trách nhiệm, không báo cáo trung thực và kịp thời, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tùy tiện xử lý sai quy định, vượt thẩm quyền ở nhiều trường hợp là quá rõ ràng, không cần phải chứng minh. Ông Thọ cũng chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TP và lãnh đạo UBND TP cũng như các ban thường trực HĐND cùng cá nhân chủ tịch HĐND TP...

Xin nhận thiếu sót trước toàn dân

Bí thư Thành ủy Trần Thọ nói việc phải sử dụng cùng một lúc đến 17 BQL dự án cũng là phù hợp quy luật, vì khối lượng công việc quá đồ sộ. Vai trò của chủ tịch UBND các quận, huyện trong việc bố trí tái định cư được quy định rõ nhưng các vị này còn bị động, lúng túng, thiếu thông tin. “Chúng tôi xin nhận thiếu sót trước nhân dân toàn TP Đà Nẵng, đặc biệt là bà con ở vùng di dời giải tỏa. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tròn nhiệm vụ để bà con tin tưởng. Đề nghị UBND TP và các ngành chức năng xử lý trách nhiệm chung, trách nhiệm từng người và báo cáo kết quả cho thường trực HĐND TP” - ông Thọ khẳng định.

Hoàng Dũng - Bích Vân (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.