Người bán hy vọng giá nhà đất sẽ tăng lên sau khi đã giảm mạnh, còn bên mua lại mong ngóng giá nhà đất sẽ còn giảm tiếp. Tâm lí trái chiều ấy khiến bên bán, bên mua vẫn khó gặp nhau.
Đất thổ cư khu vực ven đô đã giảm giá mạnh thời gian qua. (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Bên bán chưa muốn bán

Nhận thấy giá nhà đất đã giảm khá mạnh so với thời kì “sốt”, anh Phạm Văn An (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) đang có kế hoạch mua một căn hộ mới ở trung tâm thành phố để thuận tiện đi lại. Vợ chồng anh An đã đi xem ngôi nhà 4 tầng trên phố Trương Định, anh ưng hơn là ngôi nhà diện tích 35m2 được rao với giá 1,7 tỉ đồng. Nhưng muốn mua được căn hộ đó, gia đình anh phải bán mảnh đất thổ cư với diện tích 34m2 có nhà cấp 4 hiện đang ở tại Tam Hiệp. Song giá bán khá thấp khiến anh tỏ ra lưỡng lự.

Anh An chia sẻ: Giá nhà đất đang giảm rất mạnh so với thời kì “đỉnh cao”. Năm 2009, tôi mua 34m2 đất này với giá 20 triệu đồng/m2. Năm 2010, giá đất ở khu vực này lên cao, có lúc tới 40 triệu đồng/m2. Thế nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, giá đất đã giảm rất mạnh. Hiện tại nhà tôi bán chỉ được khoảng 20 triệu đồng/m2 mà thôi. Tính theo giá vàng, như vậy chúng tôi lỗ “nặng” rồi. Giá thấp như vậy cho nên tôi không muốn bán. Nhưng nếu không bán thì không có tiền để mua căn hộ kia. Nếu mà có đủ tiền thì tôi sẽ không bán mảnh đất này.

Anh Phạm Văn Tính, cũng người xã Tam Hiệp cho biết: "Vào lúc giá nhà đất lên cao, đất mặt đường ở Tam Hiệp có thời điểm lên đến 40-50 triệu đồng/m2. Thế nhưng tháng trước, một người bán 300m2 đất ngay mặt đường cũng chỉ có mức giá là 25 triệu đồng/m2. Giá đất rẻ như vậy cho nên gia đình nào thật sự cần tiền, chẳng hạn vỡ nợ thì họ mới bán".

Anh Lưu Văn Bách đang rao bán một khu đất có diện tích 64 m2 ở Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội). Cách đây 2 năm, anh mua với giá 13 triệu đồng/m2, có sổ đỏ chính chủ.. Khi “sốt” đất, giá đất đã vọt lên tới 20-22 triệu đồng/m2 nhưng anh vẫn không có ý định bán vì tin tưởng giá còn lên.

“Lúc đó tôi quan niệm giá đất chỉ có tăng chứ không bao giờ giảm được. Người ngày càng đông mà đất có nở thêm đâu”. Thế mà bây giờ giá mảnh đất này đã giảm xuống còn chưa đến 15 triệu đồng/m2. Nay tôi muốn bán mảnh đất này để có thể mua gần khu vực nội thành hơn, song còn lưỡng lự” – anh Bách tiếc rẻ.

Bên mua cũng chần chừ

Giá nhà đất giảm mạnh, nhiều gia đình cũng đang rục rịch tìm cơ hội để thỏa mãn ước mơ sở hữu một căn nhà. Vợ chồng anh Trịnh Văn Dũng (tạm trú ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đang có ý định mua đất có sẵn nhà cấp 4 ở khu vực Thanh Trì. Anh chị đều là công nhân kỹ thuật, nên đồng lương khá hạn hẹp.

Anh Dũng cho biết: Mình muốn mua nhà vì như vậy mua xong sẽ không tốn tiền xây. Hai vợ chồng tích góp và vay mượn thêm cũng chỉ đủ mua mảnh đất khoảng 30-40 m2 thôi. Thông qua trung gian, họ vẫn thổi giá đất ở khu vực này lên tới 30 triệu đồng/m2. Đến tận nơi xem xét chúng tôi mới thấy giá đất đã giảm rất nhiều, chỉ còn 20-25 triệu đồng/m2, có nơi 13-14 triệu đồng/m2. Mình nghe nói giá đất sẽ còn giảm tiếp nên hai vợ chồng quyết định chờ một thời gian nữa mới mua.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Chưa bao giờ thị trường nhà đất lại có tâm lí chờ đợi lâu như thế, từ cả hai phía người mua và người bán. Kể cả khi chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà của Ngân hàng Nhà nước có được ban hành thì cũng không chấm dứt được tâm lí chờ đợi trên thị trường. Nó chỉ chấm dứt khi thị trường chạm đáy. Bởi vì thực tế thị trường nhà đất vẫn chưa chạm đáy và nó chưa đến mức phải giải cứu.

Trong khi đó, đưa ra lời khuyên cho người mua nhà, ông John Sheehan, thành viên Tổ chức giám định bất động sản Hoàng gia (FRICS) của Anh từng trao đổi trên báo chí rằng: "Để thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi phải mất ít nhất 6 năm và bất động sản sẽ mất 60% về mặt giá trị. Trong thời điểm này tôi sẽ không mua nhà nếu không có nhu cầu thực cần nhà ở. Tôi sẽ chờ đợi đến lúc thị trường đi vào ổn định và quay về giá trị thật. Còn nếu đầu tư vào nhà ở hiện nay, có thể mức giá chưa phải là thật".

Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội, giá bất động sản ở các thành phố lớn của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới.

Giá nhà đất tăng lên 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động. Giá nhà ở lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Trong khi đó, so với thu nhập, giá bất động sản trung bình ở các nước châu Âu chỉ bằng 7 lần, Thái Lan 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần.

Lương Bằng (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.