Với những người sống độc thân thì việc họ sống trong các căn phòng trọ hẹp chẳng hề quan trọng, bởi trong con đường mưu sinh nơi đô hội kiếm đủ ăn, đủ trả tiền thuê nhà để có chỗ ngủ, tắm, giặt là hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng, đối với các gia đình thì sống chật chội quả là bất tiện.

Gian nan nhà trọ

"Sống và làm việc ở thành phố này đã hơn 10 năm, vậy mà tôi vẫn chưa thể có được một ngôi nhà theo đúng nghĩa là của mình, dẫu chỉ là nhỏ nhoi. Lúc sống một mình cũng thuê trọ, tới khi lấy vợ rồi sinh con đẻ cái cũng vẫn sống cuộc đời nhà trọ, nay đây mai đó. Với mức thu nhập ít ỏi, cộng với việc chi tiêu quá nhiều thứ thì chẳng biết đến bao giờ, vợ chồng tôi mới mua nổi một căn nhà...".


Nhiều cặp vợ chồng sau bao nhiêu năm mưu sinh nơi thành phố vẫn tá túc phòng thuê trọ chật hẹp

Đó là tâm sự của anh Nam, quê ở Thanh Hoá, công nhân Công ty may Chiến Thắng, người đã định cư ở Hà Nội gần 15 năm trời và giờ đây vẫn sớm hôm đi về với căn nhà trọ ở một làng ven đô. Cuộc sống, nỗi niềm và mơ ước của anh Nam về một căn nhà do mình đứng tên, làm chủ chỉ là một trong hàng triệu mong muốn của biết bao con người tỉnh lẻ đang sống và làm việc tại thành phố.

Do không có tiền mua nhà, mua đất xây nhà nên hàng triệu con người ấy vẫn phải tạm bằng lòng với cảnh đời ở trọ, bởi chính họ cũng chẳng biết làm cách nào, mà chỉ biết lao động cật lực, sống và hy vọng…

Đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Tân và Lê Thị Huệ (công nhân Nhà máy thuốc lá Thăng Long), từ ngày xây dựng gia đình cho tới khi có 2 đứa con vẫn tá túc trong căn phòng thuê trọ ở phường Thanh Xuân Nam. Diện tích của căn nhà chỉ 16m2, mà chứa cả một gia đình với biết bao đồ đạc nên nó càng trở nên chật chội. Chật đến nỗi anh Tân còn làm thêm cả một cái gác lửng để vợ chồng con cái ngủ, cái xe máy cũng phải đi gửi vì không còn chỗ chứa.

Chị Huệ cho biết: "Lương của cả 2 vợ chồng chỉ đủ trang trải với mức đạm bạc cho cả gia đình nên tụi em chưa nghĩ tới việc thuê một căn nhà rộng hơn. Ở như thế này là quá chật, nhưng đành chịu thôi, vì nếu bỏ ra từ 2-2,5 triệu đồng trở lên để thuê nhà rộng hơn thì bọn em không kham nổi. Tiền nhà, tiền ăn tiêu sinh hoạt, tiền 2 con học hành... luôn luôn trong tình trạng thiếu...".

Vâng, quả là có rất nhiều cảnh ngộ như vậy. Họ phải chấp nhận sống trong các căn phòng thuê trọ tựa như sinh viên bởi đồng tiền họ kiếm được rất hạn hẹp. Tuấn và Thuỷ - một cặp vợ chồng quê ở Nam Định, lên Hà Nội làm nghề tự do, hiện đang tá túc trong căn phòng trọ theo kiểu nhà dãy, ở khu Quan Hoa (quận Cầu Giấy) cho hay: "Thu nhập của tụi em không ổn định, nên chỉ dám thuê căn phòng rộng 10m2, với giá 1,4 triệu đồng/tháng.

Chật chội lắm, nhưng phải gắng chịu và mai này có con cái, nếu làm ăn ở đây chắc cũng cố thuê cái phòng rộng hơn đôi chút, không thì... cực lắm".

Đối với những người sống độc thân thì việc họ sống trong các căn phòng trọ hẹp chẳng hề quan trọng, bởi trong con đường mưu sinh nơi đô hội kiếm đủ ăn, đủ trả tiền thuê nhà để có chỗ ngủ, tắm, giặt là hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng, đối với các gia đình thì sống chật chội quả là bất tiện.

Ví như trường hợp của anh Nguyễn Tiến Hà, năm nay đã ngoài 40 tuổi, sống cùng vợ và 3 đứa con trong căn phòng rộng hơn 18m2. Anh Hà làm nghề cơ khí cho một DN tư nhân, vợ là giáo viên cấp 2 và thu nhập của cả 2 vợ chồng không nổi 6 triệu đồng/tháng, nên gia đình anh không thể "cải thiện" chỗ ở, vì tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền ăn của 5 người cũng đã ngốn gần hết thu nhập cả tháng.

Đó là chưa kể tiền học hành của các con. Bởi thế, tối tối, anh phải chạy xe ôm kiếm thêm, gom góp đưa vợ nuôi con cải thiện mức sống cho gia đình, còn chị thì cũng nhận thêm hàng quần áo về may…

Mơ ước… “ngoài tầm với”!

Mục đích phấn đấu, niềm mơ ước của những người dân tỉnh lẻ nhập cư lên thành phố là mua được căn nhà cho mình và gia đình, dẫu nó bé nhỏ cũng là hạnh phúc lắm rồi. Anh Lê Văn Hồng, quê Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp và đã từ chối một công việc khá an nhàn, ổn định, nhiều ưu đãi ở quê nhà để "bám trụ" lại Hà Nội. Cuộc sống nơi đô hội của Hồng khá vất vả, khi phải bươn chải bằng rất nhiều nghề, kinh qua rất nhiều khu xóm trọ.

Hồng bảo rằng: "Dẫu có khổ, có vất vả, song mục tiêu phấn đấu cao cả nhất khi lựa chọn ở lại Hà Nội là lấy vợ và mua được căn nhà để tương lai con cái tươi sáng hơn, vì chúng được sinh ra, nuôi dưỡng, học tập nơi thành phố nên ít nhiều chúng cũng lĩnh hội được nhiều cái văn minh hơn".

Quả thật, với giá đất ở Hà Nội như hiện nay (cũng như các tỉnh, thành phố lớn khác) thì người lao động bình thường, viên chức Nhà nước sẽ khó mà mua nổi nhà. Giá cả sinh hoạt thì đắt đỏ, đồng lương thì hạn hẹp. Vì vậy, cư dân ngoại tỉnh nhập cư dù có bươn chải hết cỡ cũng chỉ đủ ăn, lấy đâu ra tiền mua nhà?! Việc được quyền sở hữu căn nhà của mình vẫn mãi là giấc mơ ngoài tầm với của họ...

Trịnh Viết Hiệp (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.