Ngày 19/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường bất động sản.”

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các tranh chấp trên thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu trong thực hiện các giao dịch về bất động sản có liên quan tới “sổ đỏ” gắn với giá giao dịch ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Bên cạnh đó, còn có tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án và người góp vốn “mua nhà trên giấy” gắn với những rủi ro không được quản lý về cam kết giữa hai bên. Đồng thời, cũng xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án nhà chung cư và cư dân ở nhà chung cư về các không gian công cộng, chi phí dịch vụ và chất lượng dịch vụ...

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua có một số dự án xảy ra nhiều tranh chấp, điển hình như tranh chấp giữa khách hàng cụm chung cư CT7 và Tập đoàn Nam Cường tại dự án Lê Văn Lương Residential (Hà Đông) về cách tính diện tích sàn của các hộ được bàn giao. Hoặc tranh chấp giữa chủ hộ tại tòa nhà CT6A dự án Đại Thanh và chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân số 1 Lai Châu.

Hay như tranh chấp giữa các chủ hộ chung cư Botanic Towers và Công ty Phú Hưng Gia về quyền và sở hữu đối với diện tích tầng hầm, tầng trệt, tầng lửng là tài sản của Phú Hưng Gia hay thuộc sở hữu chung của các chủ hộ nhà chung cư...

Nguyên nhân phát sinh các tranh chấp trong thời gian qua, theo đánh giá của các đại biểu, là do thị trường bất động sản phát triển quá “nóng” nên một bộ phận chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà quên lợi lâu dài.

Mặt khác, hành lang pháp lý còn thiếu các quy định về quản lý giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, quản lý rủi ro chưa đúng cách, quy định chưa rõ ràng về không gian, ban quản lý chung cư, dịch vụ.

Trong khi đó, hợp đồng, thỏa thuận giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng còn mang tính áp đặt do chủ đầu tư dự án đơn phương đưa ra, thiếu các quy định bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, cũng như thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng...

Để giảm thiểu những rủi ro, xung đột trong thị trường bất động sản, luật sư Nguyễn Trúc Hiền, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam cho rằng giải pháp lâu dài là các bên liên quan cần nâng cao nhận thức và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Giải pháp trước mắt là việc hòa giải của các bên liên quan thông qua một bên trung gian là trung tâm trọng tài trước khi đưa vụ việc đến phán quyết cuối cùng của tòa án, tránh những căng thẳng và thiệt hại không đáng có giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Ngoài ra, ông Đặng Hùng Võ cũng đưa ra một số đề xuất, điển hình là việc hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật về điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia thị trường bất động sản trên cơ sở tăng cường cơ chế bảo vệ quyền tài sản của người tiêu dùng, quản lý tốt các rủi ro, giá trị thật ghi trên hợp đồng, đồng thời, tạo các kênh thông tin để người mua nhà có thể tiếp cận tìm hiểu về quy hoạch, căn cứ pháp lý của các dự án bất động sản...

Bên cạnh đó, cần thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách chính thống, có căn cứ pháp lý thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án./.

Phạm Hằng (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.