Mặc dù các NHTM đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như vậy, vẫn chưa có nhiều DN vay được vốn. Rõ ràng lãi suất không còn là vấn đề chính trong việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nói với Thời báo Ngân hàng: Bản thân hoạt động kinh doanh của DN không tốt nên nhu cầu vay giảm đi.

Kỳ I: Ngân hàng “tung”, doanh nghiệp không “hứng”?

Lãi suất cho vay thấp nhất chỉ còn 7%/năm

BIDV quyết định tung ra gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm áp dụng từ ngày 22/8/2012, cho các khoản tín dụng ngắn hạn đối với khách hàng được định hạng tín dụng từ hạng A trở lên. Nhưng đây chưa phải là mức lãi suất cho vay (LSCV) thấp nhất trên thị trường hiện nay. MaritimeBank đang triển khai gói sản phẩm tài trợ nhập khẩu MFloat với hạn mức 5.000 tỷ đồng; LSCV cố định ưu đãi 7%/năm và tối đa không quá 9%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn dành 2.000 tỷ đồng cho khách hàng nhập khẩu vay VND với lãi suất ưu đãi 10% – 13%/năm. Ở các NHTM khác, như tại Agribank, LSCV thu mua tạm trữ lương thực còn 11%/năm. Agribank đang dành tổng hạn mức 37.680 tỷ đồng với LSCV ngắn hạn tối đa 13%/năm, trung dài hạn 15%/năm cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, ngân hàng này tiếp tục dành riêng 10.000 tỷ đồng cho vay xuất khẩu với lãi suất ưu đãi 11%/năm…


Các NHTM liên tục triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN. (Ảnh: KĐK)

Hiện nay, LSCV phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10% - 13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12% - 15%/năm. LSCV cao nhất, phổ biến trên thị trường (theo thống kê của NHNN đến ngày 17/8) là 17,5%/năm. Không chỉ giảm lãi suất đối với các khoản cho vay cũ về dưới 15%/năm, các TCTD còn liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Thống kê sơ bộ của Vụ Tín dụng (NHNN) từ 20 TCTD cho thấy: hầu hết NHTM đều xây dựng và triển khai các gói tín dụng đặc thù cho các DN, đặc biệt là các NHTM lớn. Trong đó, phải kể đến Vietcombank đã thực hiện 7 gói tín dụng lãi suất ưu đãi, với tổng số vốn lên tới 31.500 tỷ đồng và 1 tỷ USD cho các DN thuộc tất cả các ngành nghề. Trong các gói tín dụng này, Vietcombank áp dụng mức LSCV kỳ hạn dưới 3 tháng là 11%/năm; 3 – 6 tháng lãi suất sàn 11,5%/năm. Vietcombank cũng đang cho vay gói 15.000 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm, và gói 700 triệu USD cho vay với lãi suất chỉ 2,5%/năm.

Không được dồi dào về nguồn vốn như các NHTM lớn, các NHTMCP nhỏ thiết kế sản phẩm tín dụng đặc thù cho các đối tượng khách hàng. Chẳng hạn ABBank đang triển khai gói tín dụng “đối tác mới, thành công mới” LSCV từ 12%/năm trở lên với tổng hạn mức 1.000 tỷ đồng. Hay như tại VIB, song song với gói tín dụng 2.000 tỷ đồng dành cho 3 nhóm khách hàng lớn với lãi suất 10,5% - 14%/năm, mới đây ngân hàng này tiếp tục tung ra gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5%/năm cho DNNVV tại TP.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, mặc dù các NHTM đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như vậy, vẫn chưa có nhiều DN vay được vốn. Rõ ràng lãi suất không còn là vấn đề chính trong việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN.

Cầu trong nền kinh tế vẫn yếu

8 tháng qua, ngân hàng không ngừng nỗ lực hạ LSCV, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng cũ, và nhiều ưu đãi đặc biệt cho khách hàng mới... Nhưng kết quả không như mong đợi. Đến trung tuần tháng 8/2012, qua 7 gói tín dụng ưu đãi, Vietcombank mới giải ngân được gần 67.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Đặng – Tổng giám đốc HDBank cho biết, ngân hàng này đã giải ngân được 30% gói tín dụng ưu đãi.

Tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng theo ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc VIB, tình hình giải ngân các gói tín dụng vẫn còn chậm, không như kỳ vọng. Tại sao DN chưa mặn mà với các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng? Ông Lê Đức Thọ - Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, sức hấp thụ vốn của DN phụ thuộc nhiều vào giải pháp đồng bộ của Chính phủ, chứ một mình kênh tín dụng không thể giải quyết mọi việc. Chính phủ cần tăng giải ngân cho các dự án trọng điểm; khuyến khích thị trường trong nước; miễn, giảm giãn thuế cho DN... Nhờ đó DN mới có cơ hội phát triển, thị trường hàng hóa sôi động trở lại, giải tỏa được hàng tồn kho thì lúc đó cầu tín dụng mới tăng trở lại. “Cầu yếu như thế này có hạ lãi suất nữa, mà hàng hóa không tiêu thụ được, công nợ không thu hồi được thì cũng vô nghĩa” – ông Thọ nói. Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nói với Thời báo Ngân hàng: Bản thân hoạt động kinh doanh của DN không tốt nên nhu cầu vay giảm đi. Giải pháp tốt nhất để tăng sức hấp thụ vốn của DN là làm sao kinh tế tăng trưởng trở lại, tổng cầu xã hội tăng lên. Hàng hóa tồn kho được “giải phóng”, lúc đó DN mới đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu kinh doanh nhộn nhịp lên thì tín dụng ngân hàng mới đẩy nhanh được.

Đón mùa tín dụng cuối năm

Thống kê của Vụ Tín dụng (NHNN) từ báo cáo của 20 TCTD, tính đến thời điểm này, tổng vốn từ các gói tín dụng ưu đãi của các NHTM đang triển khai khoảng hơn 80 nghìn tỷ đồng và hơn 1,1 tỷ USD với LSCV thấp nhất là 7%/năm, và tối đa là 14%/năm. Trong thời gian tới, có 3 ngân hàng đăng ký triển khai thêm các sản phẩm tín dụng cho các DN với tổng trị giá 4.100 tỷ đồng là OceanBank, SeABank và PG Bank.

Mức tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng qua chưa đến 2% là quá thấp so với những năm trước đây. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các NHTM, sự ổn định của hệ thống ngân hàng, mà tác động không nhỏ đến tăng trưởng của nền kinh tế. Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế (đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay), các TCTD tiếp tục có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN. Không còn nhiều thời gian, song cuối năm thường là thời điểm cầu tín dụng tăng. Hơn nữa, đến nay Chính phủ, các bộ, ngành và bản thân DN đều thấy tín dụng “nghẽn” do đâu. Do đó, tới đây sẽ có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nhằm khai thông dòng vốn tín dụng. Chính vì thế, để hỗ trợ DN trong mùa kinh doanh cuối năm, các ngân hàng tiếp tục xây dựng những sản phẩm tín dụng đặc thù. Dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2012 SeABank sẽ triển khai gói tín dụng 600 tỷ đồng dành riêng cho ngành gạo với mức LSCV giảm 2% so với LSCV ngắn hạn thông thường. Ngoài ra, đến tháng 12/2012, SeABank dành 1.000 tỷ đồng tài trợ cho ngành cafe, thủy sản với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 1% LSCV ngắn hạn trong 6 tháng. Còn tại OceanBank, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn cho biết, ngân hàng này dự kiến từ nay đến cuối năm dành 500 tỷ đồng với LSCV chỉ khoảng 6,8%/năm cho 3 lĩnh vực ngành nghề kinh doanh: thiết bị điện, điện tử, điện thoại; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm y tế… Đại diện Techcombank cũng cho biết, những tháng cuối năm ngân hàng này sẽ có nhiều chương trình, sản phẩm chuyên biệt, phù hợp với quy mô, phân khúc khách hàng trong các ngành nghề kinh doanh nhất định như cho vay ứng trước tiền thuế VAT, cho vay ngành mía đường, các sản phẩm cho DNNVV...

Chấp nhận giảm lãi, chia sẻ khó khăn cho DN, đồng thời là cơ hội tìm kiếm những khách hàng tốt là mong muốn của các ngân hàng qua các gói cho vay lãi suất thấp. Theo ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank, ngân hàng đã giải ngân hết 2 gói tín dụng 2.000 tỷ đồng và mới đây nhất là gói 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng DNNVV tại khu vực TP.Hồ Chí Minh với lãi suất từ 13% - 14%/năm chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi triển khai. Và hiện ngân hàng này đang cân đối vốn để xây dựng các gói tín dụng mới.

Đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, từ ngày 22/8/2012, VietinBank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ cho DN với lãi suất ưu đãi 8,95%/năm.

Phục vụ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân, từ ngày 24/8, VietinBank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ áp dụng cho các lĩnh vực như công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp nông thôn… với lãi suất ưu đãi chỉ từ 10,99%/năm.

Bên cạnh đó, VietinBank còn hỗ trợ khách hàng cá nhân với gói tín dụng “5.000 tỷ chung tay xây nhà mơ ước”, hướng tới các đối tượng là khách hàng có nhu cầu vay để mua nhà ở/nhận quyền sử dụng đất ở; vay xây dựng và sửa chữa nhà ở; vay mua nhà dự án thuộc danh mục của chương trình với lãi suất siêu hấp dẫn chỉ từ 12%/năm.

Theo Huyền Thanh (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.