Những bất thường trên thị trường liên ngân hàng, thị trường mở buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đưa ra những động thái “ném đá dò đường”, mà việc giảm lãi suất điều hành từ ngày 1/7 là một ví dụ.

Hạ lãi suất hiện không phải là điều kiện cần thiết nhất để đẩy mạnh tín dụng. Ảnh: Đức Thanh

Bất thường của thị trường

Tính đến gần hết tháng 6/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn âm 0,2%, trong khi huy động vốn tăng 6,8%. Câu hỏi đặt ra là, tại sao ngân hàng vẫn đua nhau lách rào huy động vốn, dù không thể cho vay?

Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng Maritime Bank khẳng định, việc tín dụng tăng trưởng âm trong khi huy động vốn tăng cao cho thấy, dòng tiền vẫn quanh quẩn trong hệ thống ngân hàng. Huy động vốn tăng trưởng không thực chất, có yếu tố ảo, có hiện tượng chảy vốn từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) xuống thị trường 1 (thị trường huy động từ dân cư).

“Một bất thường nữa trên thị trường liên ngân hàng là, lãi suất tăng, giảm rất nhanh. Nhưng thị trường liên ngân hàng hiện không phản ánh được cung - cầu của hệ thống, vì chỉ còn vài ngân hàng tham gia. Điều này rất nguy hiểm”, ông Quang Anh nói.

Sự bất thường trên thị trường ngân hàng còn thể hiện ở chỗ, thị trường mở (OMO) là nơi NHNN trung hòa vốn, thực hiện bơm tiền và hút tiền, nhưng hiện chỉ còn vài ngân hàng tham gia thị trường này. Thông thường, với trần lãi suất huy động 9%/năm hiện nay, lãi suất trên thị trường OMO phải ở mức 9-11%/năm. Tuy nhiên, hiện lãi suất trên thị trường OMO chỉ khoảng 8-8,5%/năm, mà NHNN cũng rất khó bơm tiền ra.

Trước những diễn biến bất thường nêu trên, từ ngày 1/7, NHNN đã cắt giảm 1% một loạt lãi suất điều hành. Ông Trịnh Quang Anh cho rằng, đây là động thái “ném đá dò đường” của NHNN. Khi thấy chính sách hạ trần lãi suất không còn tác dụng, NHNN không sử dụng công cụ này, mà điều hành thị trường qua các lãi suất chủ chốt khác.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP khác nhận định, việc giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng… chỉ tác động tới một số ít ngân hàng yếu thanh khoản, chứ chưa hỗ trợ lãi suất giảm sâu trên diện rộng. “Hơn nữa, hạ lãi suất không phải là điều kiện cần thiết nhất để đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh hiện nay, mà mấu chốt là doanh nghiệp và ngân hàng đều thiếu niềm tin để vay và cho vay”, vị tổng giám đốc này nói.

Chính sách tiền tệ vẫn là “át chủ bài”

Theo ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), không nên tiếp tục hạ lãi suất thêm, bởi lãi suất thực tế đã thấp hơn so với kỳ vọng. Nếu lãi suất giảm nữa thì sẽ không huy động được vốn trong dân.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quang Anh cho rằng, NHNN đã cắt giảm trần lãi suất 4 lần trong thời gian qua, song tín dụng vẫn tăng trưởng âm cho thấy, các công cụ chính sách tiền tệ đã trở nên bất lực. “Không nên có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa, phải tính độ trễ của chính sách tiền tệ sẽ rơi vào cuối năm 2012, đầu năm 2013. Công cụ quan trọng nhất hiện nay là chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ sẽ đứng ở vị trí “yểm trợ”, sẵn sàng đảo chiều để trung hòa tác động không mong muốn của chính sách tài khóa nới lỏng”, ông Quang Anh nhận định.

Nhiều ngân hàng cho rằng, hạ lãi suất hiện không còn quan trọng, bởi mấu chốt khiến tín dụng không thể tăng trưởng không phải là lãi suất cao, mà do doanh nghiệp không có đầu ra.

Tuy vậy, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lại cho rằng, dư địa của chính sách tài khóa thực chất không nhiều. Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng hiệu quả rất thấp. Lượng tiền đầu tư từ ngân sách mỗi tháng bơm ra nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng cũng rơi chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước. “Mấu chốt để tăng thanh khoản nền kinh tế vẫn nằm ở chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất”, ông Trương Đình Tuyển nói.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.