Tới đây, người dân được tham gia góp vốn, thậm chí lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo chung cư cũ nơi mình đang sinh sống - đề xuất này của Bộ Xây dựng đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận và giới chuyên gia. Bởi, khi có sự tham gia trực tiếp của người dân trong sự lựa chọn chủ đầu tư, chắc chắn các chung cư cũ sẽ được cải tạo “đến nơi đến chốn”.

Nhiều chung cư cũ xuống cấp cần gấp rút cải tạo, xây mới.

Không tìm được tiếng nói chung

Con số thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương còn đang tồn tại nhiều nhất chung cư cũ trên cả nước, với tổng cộng 1.688 công trình. Riêng Hà Nội đã có tới 1.155 công trình, cao 4-6 tầng, chủ yếu các chung cư cũ này đã được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước. Do đó, hầu hết đều đã rất xập xệ, cũ kỹ, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương cải tạo, tái thiết lại các khu chung cư cũ, song đến nay, số chung cư được cải tạo lại không nhiều, chỉ chiếm một con số rất nhỏ so với tổng số chung cư cũ hiện nay ở cà Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Lý giải cho thực trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, phần lớn các dự án cải tạo chung cư cũ mới chỉ dừng ở nghiên cứu xã hội học, lập quy hoạch hoặc kiểm định chất lượng. Nguyên nhân là hầu hết chung cư cũ nằm trong khu vực “lõi” đô thị hạn chế phát triển, nên việc cải tạo để sao cho vừa phải giảm mật độ dân số, vừa bảo đảm cân đối tài chính, cải thiện chỗ ở cho người dân trong khu vực… là rất khó khả thi.

Đặc biệt, thời gian qua, trong quá trình thực hiện tái thiết chung cư cũ, đã nảy sinh những mâu thuẫn trong việc cân bằng lợi ích giữa các bên: Nhà nước – DN và người dân.

Đơn cử như việc, với người dân, phương án đền bù ra sao, địa điểm tái định cư thế nào, có đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của họ hay không, tiến độ, thời gian hoàn thành dự án đến đâu… là những vấn đề họ quan tâm.

Trong khi đó, với các chủ đầu tư, DN, vấn đề quan trọng đối với họ là phải làm sao đảm bảo được lợi nhuận khi họ tham gia vào cải tạo chung cư cũ. Trong khi, theo tính toán, những chung cư cũ thường nằm ở vị trí trung tâm nên việc cải tạo không thể nâng cao số tầng như mong muốn của các chủ đầu tư, và nếu như vậy thì DN sẽ không có lợi nhuận…

Phía Nhà nước cũng có cái khó trong việc bố trí ngân sách cho vấn đề này. Và như vậy, một thời gian rất dài, chủ trương tái thiết hàng ngàn chung cư cũ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hầu như vẫn ì ạch vì các bên không tìm được tiếng nói chung và ai cũng có cái lý của mình.

Tới đây người ở chung cư cũ sẽ được lựa chọn chủ đầu tư.

Luồng sinh khí mới

Trước thực trạng nói trên, mới đây nhất, trong Dự thảo Nghị định cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã có đề xuất về việc, cho phép người dân được tham gia góp vốn, thậm chí lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo chung cư cũ nơi mình đang sinh sống. Theo lý giải của Bộ Xây dựng, thực tế thời gian qua, có những khu chung cư cũ dùng dằng về vấn đề lựa chọn chủ đầu tư, nhiều năm mà vẫn không giải quyết được.

Trong khi đó, nhiều hộ dân đang sống trong những chung cư quá cũ, xuống cấp nghiêm trọng cũng mong muốn góp vốn để dự án triển khai nhanh, miễn là chọn được chủ đầu tư đáng tin cậy và có năng lực tốt.

Đề xuất này của Bộ Xây dựng đang nhận được nhiều sự đồng thuận trong dư luận và giới chuyên gia ngành xây dựng.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, Dự thảo Nghị định cải tạo chung cư cũ của Bộ Xây dựng có nhiều điểm mới, một trong số đó là đề xuất để người dân được tham gia góp vốn và lựa chọn chủ đầu tư. Đây là đề xuất cho thấy tính ưu việt của chính sách được xây dựng lần này bởi nó thể hiện rõ nét tính dân chủ, tôn trọng quyền và lợi ích của người dân.

“Bởi phải đến tận các khu chung cư cũ hiện nay – nơi nhiều trí thức và công chức nhà nước, những người thuộc các thế hệ trước, đã từng cống hiến công sức cho đất nước – mới thấu hiểu được nỗi khổ của họ khi phải sống trong các căn nhà chật chội, lụp xụp, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào” – KTS Tùng chia sẻ và nêu quan điểm.

“Tôi đánh giá cao đề xuất lần này của Bộ Xây dựng, cho thấy, lợi ích của người dân đã được quan tâm và đặt lên hàng đầu”. Theo ông Tùng, khi người dân được quyền lựa chọn chủ đầu tư, những chủ đầu tư đó sẽ phải có trách nhiệm với những dự án mình đảm nhiệm từ đầu đến cuối, tránh tình trạng, chủ đầu tư bỏ dở dự án giữa chừng khi không nhìn thấy lợi ích của mình…".

Ngoài ra, KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, việc cho phép nâng cao tầng như đề xuất trong Dự thảo mới nhất của Bộ Xây dựng cũng là điểm giúp cân bằng lợi ích của các bên. Bởi nếu không làm cao tầng, sẽ không thể có đủ quỹ đất để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết như không gian vườn hoa, sân chơi… đó là những nhu cầu thiết yếu đối với đời sống của người dân mà mỗi khu đô thị mới hiện nay đều cần phải có.

Trong dư luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đề xuất cho phép người dân tham gia góp vốn và lựa chọn chủ đầu tư cải tạo chung cư mình đang sinh sống sẽ tạo luồng sinh khí mới, là động lực khiến cho chủ trương cải tạo chung cư cũ của nhà quản lý được đẩy nhanh hơn.

Duy Phương (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.