Đô thị hóa ngoài tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội thì nó còn có những ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, môi trường sống và thị trường đất đai. Tuy nhiên, đây là quá trình mang tính quy luật mà các đô thị lớn như Hà Nội phải đối diện xử lý…
Mấy năm gần đây, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao nên dẫn đến quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng. Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế thì tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đạt khoảng 3,5%/năm, đa số diễn ra ở những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước.
Giải quyết việc làm sau thu hồi đất luôn là bài toán trăn trở của nhiều địa phương (Ảnh minh họa, nguồn: internet)
Thực tế, quá trình đô thị hóa chính là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và cơ cấu kinh tế nông thôn ven đô sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Và ở Hà Nội, hay bất cứ đô thị nào cũng vậy, quá trình này đã làm cơ sở hạ tầng ở ngoại thành được cải thiện một cách cơ bản. Và sự chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như làm mới, nâng cấp sửa chữa đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, khu chung cư, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện… ở vùng ngoại thành là điều tất yếu.
Kết quả, ở Hà Nội đã xuất hiện thêm nhiều quận nội thành như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên với các khu đô thị như Mỹ Đình, Tây Mỗ, Dương Nội, Đặng Xá, Việt Hưng, Tân Tây Đô, Vincom Reverside… những nơi mấy năm trước vẫn được xem là ngoại thành.
Xu hướng trên dẫn đến quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp trong tổng quỹ đất tự nhiên của các huyện ngoại thành. Quỹ đất phân bổ cho các mục đích phi nông nghiệp ngày càng tăng và sẽ được lấy chủ yếu từ đất nông nghiệp dẫn đến những ảnh hưởng cần được quan tâm. Nếu giải quyết tốt việc này sẽ tạo điều kiện giúp các quận hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ quận đề ra.
Trước hết, đó là giải quyết số lao động mất việc làm tăng khi bị thu hồi đất. Bởi theo tính toán của ngành lao động thì mỗi héc ta đất nông nghiệp bị chuyển đổi sẽ có 20 lao động bị mất việc làm. Ảnh hưởng tiếp theo có thể khiến thị trường bất động sản mất ổn định, môi trường, không gian sống bị biến đổi và khả năng gia tăng các tệ nạn xã hội. Bởi khi người nông dân mất đất, họ được đền bù một khoản tiền lớn hoặc chuyển sang một lô đất mới…
Đa phần họ đã xây nhà, mua sắm đồ đạc từ tiền đền bù đất và việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa ồ ạt hoặc bán nhà, đất… dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch đô thị gây ô nhiễm môi trường, không gian sống trước đây của người nông dân, việc mua bán đất đai có thể làm lệch lạc thị trường bất động sản... Do thiếu việc làm, nhàn rỗi lại không có kế hoạch chi tiêu đường dài nên họ rất dễ trở thành đối tượng bị lôi cuốn của các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, cờ bạc, lô đề, rượu chè, mại dâm…
Cũng như nhiều nơi khác, đó cũng là những vấn đề mà các quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… cần quan tâm giải quyết. Đơn cử, quận Bắc Từ Liêm, một quận mới thành lập nên kế hoạch giải phóng mặt bằng thu hồi đất đai cho năm 2015 và năm 2016 trên địa bàn quận là tương đối lớn khoảng103 dự án với tổng diện tích thu hồi là 416,377ha liên quan tới 6.878 hộ dân. Trong đó 93 dự án đã triển khai, 10 dự án đang chờ thủ tục giải phóng mặt bằng. Nếu cứ tính 20 lao động mất việc làm/ha thì có thể thấy số lượng lao động của quận rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc không có việc làm do thu hồi đất khá lớn. Chưa kể hàng năm trung bình có thêm khoảng 7.853 người đủ tuổi tham gia đội ngũ lao động.
Theo báo cáo của Phòng lao động quận Bắc Từ Liêm thì hàng năm cũng chỉ giải quyết được trung bình khoảng 5.000 việc làm cho lao động. Riêng năm 2015, đạt 5.500 lao động được tạo việc làm. Cả năm 2015 tổ chức được 13 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 445 lao động, với 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Kết quả khiêm tốn đó thực sự là những thách thức cho kế hoạch phát triển 5 năm tới của quận. Hay quận Nam Từ Liêm trong năm 2015 đã xác định chủ đề công tác của quận là năm giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất thu hồi lên tới hàng triệu m2. Và tiếp tục năm 2016, các quận này vẫn tiếp tục đối diện với những thách thức từ việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc phát triển đô thị thông minh, nhất là các vấn đề người dân bức xúc như: cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm hậu đền bù…
Về giải quyết việc làm, quận Bắc Từ Liêm đã nỗ lực ban hành các kế hoạch liên quan đến việc làm lao động như “Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 17/08/2015 của UBND quận về tổ chức phiên giao dịch làm việc lưu động trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2015”, “Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 09/01/2015 của UBND Quận Bắc Từ Liêm về việc thực hiện chương trình lao động, việc làm năm 2015”. Đồng thời thực hiện tổ chức thực hiện tốt NQ Đại hội Đảng bộ Quận nhiệm kỳ 2015-2020, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Đặc biệt cần chú ý là từ ngày 1/2/2016, Quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Đây là một vấn đề rất mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các quận của Hà Nội thực hiện việc đào tạo nghề phát triển nghề phù hợp với cơ cấu kinh tế của quận trong những năm tới.
Trước mắt, các quận nên đưa ra chính sách thích hợp để tận dụng tối đa việc sinh lời đối với những dự án đã thu hồi đất nhưng chưa kịp đưa vào sử dụng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động học nghề, tạo việc làm; thông báo kịp thời cho người lao động biết nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để người lao động có nhu cầu tìm việc làm có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp và thực hiện tốt Quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ.
Minh Bắc (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.