Không phân định rõ ràng quyền sở hữu chung và sở hữu riêng là nguyên nhân chính của các vụ tranh chấp giữa người dân ở chung cư với chủ đầu tư công trình.

Do đó, cần có quy định pháp lý chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu trong chung cư, thậm chí nghiên cứu đưa ra Luật Chung cư mới có thể giải quyết triệt để vấn đề này.

Một thực tế đang diễn ra hiện nay là chung cư càng cao cấp thì tranh chấp về phí dịch vụ càng gay gắt. Đỉnh điểm gần đây là tranh chấp giữa Công ty Keangnam Vina và những người mua nhà tại dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (quận Cầu Giấy). Mâu thuẫn này là sự tiếp nối của một loạt những tranh chấp mà các khu chung cư cao cấp như Ciputra, Golden Westlake, Sky City Towers và The Manor đã gặp phải.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác tòa nhà PMC, để tránh xung đột với cư dân, chủ đầu tư cần thông tin đầy đủ đến từng người mua căn hộ ngay khi ký hợp đồng góp vốn: “Căn nguyên của tranh chấp là sở hữu chung và riêng. Phần diện tích chung là của chủ đầu tư, nên rất khó trong việc phân định khi sử dụng. Nhiều khi, các cư dân trong chung cư rất hạn chế quyền lợi của mình khi đưa ra quyết định đối với khu vực chung”.

Chung cư cao cấp thì tranh chấp về phí dịch vụ càng gay gắt

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nhận định, mấu chốt của tranh chấp không phải là vấn đề phí cao hay thấp mà là tính minh bạch trên cơ sở cùng thỏa thuận. “Có chủ đầu tư nói với tôi có thể làm ra căn hộ chung cư mà không thu bất kỳ khoản phí dịch vụ nào, nhưng họ sẽ bán nhà giá cao hơn, hoặc sẽ lấy diện tích chung ra làm kinh doanh. Ví dụ như hầm gửi xe, có ý kiến cho rằng phải đấu giá, bán chỗ gửi xe thì sẽ không còn tranh chấp. Phải coi sở hữu chung là tài sản thì mới giải quyết được vấn đề tranh chấp hiện nay” - ông Nguyễn Mạnh Hà đặt vấn đề.

Hàng loạt các tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư chung cư diễn ra trong thời gian gần đây, mà đa số nguyên nhân đều bắt nguồn từ chủ đầu tư, như khởi công dự án chậm tiến độ, căn hộ không đạt chất lượng cam kết, chủ đầu tư không giao giấy tờ chủ quyền nhà. Giải quyết những tranh chấp này, người dân ở chung cư thường chọn các cách như: tự giải quyết với nhau; nhờ chính quyền giải quyết; giải quyết tại tòa… Luật sư Trần Vũ Hải khuyến nghị: “Tôi thấy tốt nhất là giải quyết qua trọng tài. Vì khi tranh chấp xảy ra, ở cấp tòa án, mọi việc diễn ra khá chậm. Tuy vậy, ở Việt Nam, việc này chưa được coi trọng”.

Cũng theo ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia luật đã tham gia giải quyết các vụ tranh chấp liên quan tới chung cư, để giải quyết căn bản thì cần sớm ban hành Luật chung cư với những quy định: Điều kiện khởi công; góp vốn mua bán thông qua ngân hàng; quy định về chất lượng, điều kiện hạ tầng và quyền sở hữu; quy định tiêu hủy, phá dỡ phải được đồng thuận của đa số khách hàng...

Rõ ràng, những tranh chấp liên tục xảy ra trong thời gian gần đây và chưa có hướng giải quyết là một trong những nguyên nhân làm giảm sự hấp dẫn của chung cư và gián tiếp cản trở sự phát triển của loại hình này. Tình trạng bế tắc này cần sớm được giải quyết khi nước ta đã đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 với dân số đô thị chiếm 50%. Và theo đó, nhu cầu về căn hộ chung cư trong tương lai sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay.

Theo VOV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.