Kỳ họp thứ 6 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 4-10 tới là kỳ họp chuyên đề về quy hoạch, những vấn đề bất cập, tồn tại của quy hoạch thành phố nhất là về quy hoạch treo, dự kiến sẽ được thảo luận, chất vấn trong kỳ họp này. Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố xung quanh vấn đề này.
Một dự án thuộc Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh thuộc dạng "treo” Ảnh: Thiên Bình
Ông Nguyễn Trọng Hòa
Một số người cho rằng, "treo” là bản chất của quy hoạch vì đó là tầm nhìn, là định hướng, theo ông điều này có đúng?
- Bản thân quy hoạch là định hướng nhưng nói bản chất của quy hoạch là treo thì không hoàn toàn đúng. Hiện nay dư luận bức xúc là các dự án treo, trong đó cần phân biệt cụ thể từng loại, thứ nhất là các dự án treo thuộc thể loại dự án sử dụng đất như dự án quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa, dự án các khu dân cư; thứ hai là quy hoạch lộ giới hẻm và một số quy hoạch các tuyến đường giao thông, đường vành đai và một số dự án về các công viên cây xanh, trường học trong mỗi khu dân cư chưa có kinh phí thực hiện.
Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng "treo” là do chủ quan và việc giải quyết vấn đề này thành phố hoàn toàn chủ động được?
- Chúng ta lập quy hoạch nhưng không làm được, nên dẫn đến tình trạng "treo” nhưng về nguyên nhân thì cần lật ngược lại cả quá trình lập quy hoạch. Ở khâu đầu tiên là khâu nghiên cứu lập đồ án quy hoạch, có những đồ án quy hoạch được nghiên cứu khá kỹ, rồi qua khâu thẩm định, phê duyệt xong phải mất từ 5-7 năm có khi cả chục năm do nhiều vấn đề kỹ thuật phải xử lý. Nên ý tưởng khi lập quy hoạch cho tới lúc ra đến thực tế đã khác đi nhiều, đối với những dự án này phải nghiên cứu điều chỉnh đồ án, thậm chí phải điều chỉnh ngay từ gốc pháp lý của nó là có nên tồn tại đồ án đó hay không. Nếu vì dân, vì tâm huyết để thành phố phát triển thì phải giải bài toán đó và không chỉ có chính quyền, các đơn vị tư vấn ngồi lại với nhau mà phải có người dân tham gia. Khi làm cần phải phân loại ra từng nhóm và mỗi nhóm có những giải pháp riêng chứ không thể chỉ có giải pháp chung cho cả thành phố. Công việc xóa "treo” là công việc rất lớn và phải tận tâm. Như về quy hoạch mở rộng hẻm cách đây đã mười mấy năm cần rà soát lại, gỡ bỏ quy hoạch ở những nơi chưa cần thiết. Chúng ta quy hoạch phải có công viên cây xanh trong một cộng đồng dân cư 100 hộ dân nhưng không thể giải tỏa 10 hộ dân để 90 hộ dân kia có công viên cây xanh, trong quy hoạch không nên có tư tưởng "bao cấp” quá làm không được rồi để đấy, tôi nghĩ những cái đó phải gỡ từ từ.
Nổi cộm nhất hiện nay về quy mô và thời gian "treo” là khu Bình Quới- Thanh Đa, theo ông giải pháp nào tốt nhất cho dự án này?
- Xét về quy hoạch, kinh tế - xã hội, tôi nghĩ đối với bán đảo Thanh Đa đây là khu đất cuối cùng của trung tâm rộng gần 500ha, quy hoạch Thanh Đa vẫn phải giữ nhưng có nhiều vấn đề phải bàn về việc chọn nhà đầu tư, về tái định cư cho người dân. Nhà nước cần ưu tiên dành một quỹ đất tái định cư riêng cho người dân ở đó. Thực ra nếu thành phố làm điều này sớm thì sẽ tốt hơn nhiều, vì cách đây 15 năm khi quy hoạch bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị sinh thái thì số hộ dân ở đây rất ít, nhưng có chủ trương xong thành phố không làm ngay dẫn đến tình trạng đầu cơ đất đai tràn lan, công tác đền bù giải tỏa sẽ càng phức tạp hơn. Hiện nay dù chậm vẫn phải làm. Quy mô của Thanh Đa tương đương 2/3 Thủ Thiêm vậy nếu một nhà đầu tư làm dự án này liệu có nổi? Trước đây thành phố đã từng giao cho một nhà đầu tư nhưng thất bại, theo tôi giao Thanh Đa cho một nhà đầu tư là rất phiêu lưu. Có nên áp dụng cơ chế tương tự như Thủ Thiêm: thành phố lập quy hoạch rồi kêu gọi đầu tư vào từng dự án? Vấn đề bây giờ là ngồi lại và bàn cho kỹ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bảo Hạnh (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.