Mặc dù Đồng Nai đang gấp rút xúc tiến thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 1 Sân bay quốc tế Long Thành để kịp khởi công dự án này vào năm 2018, nhưng nhu cầu vốn dự kiến trong 3 năm tới lên đến hơn 11.266 tỉ đồng đang tạo áp lực rất lớn lên ngân sách địa phương.

Phối cảnh dự án Sân bay Long Thành

Hiện tại, 100% hộ dân và tổ chức khu vực sân bay Long Thành đã đồng ý với chủ trương thực hiện dự án, nhưng người dân mong muốn khi thực hiện bồi thường phải thỏa đáng.

Theo ông Đặng Minh Đức – Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai, cần thực hiện bồi thường, GPMB ngay từ bây giờ, bởi công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của bước 1 với 2.750 ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn để giao chủ đầu tư triển khai thì cần thời gian ít nhất 3 năm, kịp mốc khởi công năm 2018. Nếu chậm bồi thường, chắc chắn sẽ gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án. Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị thực hiện công tác bồi thường một lần, xây trước khu tái định cư cũng như cần một cơ chế đặc thù về quy trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng khu hạ tầng tái định cư.

Hiện Đồng Nai đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách để theo tiến độ thực hiện để kịp hoàn tất GPMB.

Rất nhiều ý kiến đồng tình với kiến nghị của Đồng Nai về việc tách GPMB, tái định cư thành tiểu dự án riêng và tiến hành được sớm ngày nào hay ngày đó, không phải chờ có quyết định đầu tư mới triển khai GPMB. Tuy nhiên, để kịp thời gian, nguồn vốn là yếu tố quan trọng nhất nhưng hiện chưa có lời giải.

Chia sẻ với nỗi lo của Đồng Nai, TS Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia băn khoăn: “Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách, nhưng vấn đề là “tiền đâu?”. Ngân sách phải lo, nhưng chúng ta muốn mười, ngân sách chỉ lo được ba, bốn, đây cũng là vấn đề thực tiễn mà tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT phải có giải trình rất cụ thể để dòng tiền tương thích với nhu cầu thực tế”. Ông Phước cũng gợi ý, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, có thể dùng cách nhà nước và nhân dân cùng làm. Ví dụ như phát hành trái phiếu, tín phiếu mà gần 5.000 hộ dân sẽ là người mua. Nếu đền bù 3 tỉ đồng thì đưa trước cho người dân 1 tỉ, còn lại mua trái phiếu trả lãi, nhưng quyết định cuối cùng là người dân.

Xung quanh vấn đề này, TS Trần Du Lịch – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, Đồng Nai có đặc điểm rất thuận lợi, là tỉnh có nguồn thu điều tiết về TƯ, riêng phần thu nội địa ước tính khoảng 12.000 tỉ đồng (theo cơ chế nộp về TƯ 51% – địa phương 49%). Đồng Nai có thể vay ngân sách theo tiến độ đền bù, hằng năm số vay phải trả bao nhiêu thì khấu trừ vào phần phải nộp TƯ. Khi có sân bay rồi thì nguồn thu cực lớn, mỗi năm mất vài nghìn tỉ giảm đi nộp ngân sách, vài năm sau thu trở lại. Riêng phương án phát hành trái phiếu, tín phiếu cho dân không thật sự khả thi bởi tâm lý chung là người dân muốn nhận được nhận “tiền tươi thóc thật” khi đền bù.

Theo ông Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội Quốc hội lại cho rằng, toàn bộ nguồn lực là thẩm quyền của Chính phủ, việc đề nghị Đồng Nai xin rút lại một phần ngân sách hàng năm để đầu tư sẽ phá vỡ cơ chế chung của quốc gia, bán trái phiếu cho chính đối tượng chịu tác động cũng chưa hợp lý.

Được biết, hiện Đồng Nai đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách theo tiến độ thực hiện với tổng số vốn bước 1 khoảng 11.266 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng 2.750 ha. Nếu phương án này không được duyệt thì xem như áp lực vẫn còn nguyên và cũng chưa có phương án khả thi thay thế, nhất là khi Đồng Nai còn rất nhiều dự án trông đợi vào ngân sách, trong đó riêng nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông trong những năm tới đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Kim Châu (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.