Một loạt giải pháp thúc đẩy sự phục hồi thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng đưa ra thời gian qua được đánh giá là rất tích cực. Tuy nhiên, các giải pháp đó có khả thi?
Giải pháp cứu thị trường BĐS: Có khả thi?
Ảnh minh hoạ.
Các giải pháp cứu thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng đều hết sức cụ thể, thiết thực, với những điểm chính như cho phép các doanh nghiệp được chia nhỏ căn hộ để bán, các dự án sắp triển khai được chuyển từ dự án thương mại sang nhà ở xã hội, những dự án giải phóng xong mặt bằng mà chưa triển khai có thể tạm thời chuyển sang làm dịch vụ, cho thuê, có thể dừng lại các dự án chưa giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho rằng, để thực hiện giải pháp trên có thể còn gặp những vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Đức: “Việc chia nhỏ căn hộ chỉ có thể thực hiện được ở những dự án chưa xong hạ tầng, chưa hoàn thiện, còn những dự án đã hoàn thiện rất phức tạp”…
Đại diện Câu lạc bộ BĐS Hà Nội thì cho rằng, việc cho phép chia nhỏ căn hộ mới là kiến nghị của Bộ Xây dựng và điều này lại khác với Luật Nhà ở, cho nên sẽ phải thông qua Quốc hội. Nếu được thông qua thì phải sửa Luật, nên cũng không dễ được thực thi trong một sớm một chiều.
“Luật Nhà ở chưa cho phép chia nhỏ căn hộ như vậy, nên phải được Quốc hội thông qua. Nếu thông qua xong lại phải sửa Luật rất lâu, như vậy sẽ bị chậm thời gian, trong khi các doanh nghiệp bất động sản đang trên bờ vực phá sản. Biện pháp của Bộ Xây dựng là giải pháp cấp bách và phải được làm ngay thì mới có tác dụng…” - ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội nói.
Ngoài các giải pháp của Bộ Xây dựng, các thành viên trên thị trường cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng phải thực sự vào cuộc, vì vừa qua các ngân hàng cũng đã được hưởng nhiều ưu ái từ chính sách. “Các ngân hàng nhiều năm qua đã được hưởng nhiều lợi nhuận, phát triển rất tốt. Đã đến lúc các ngân hàng phải vào cuộc, kể cả chấp nhận thiệt một chút vì cái chung. Ví như các ngân hàng phải có những gói cho vay bất động sản với thời hạn lâu dài 10-15 năm, chỉ thu lãi, còn gốc sau 10-15 năm mới thu” - ông Nguyễn Thế Điệp kiến nghị.
Như vậy, những giải pháp vừa qua của Bộ Xây dựng đã thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường này có phục hồi được hay không, câu trả lời vẫn còn ở phía trước, điều này còn phụ thuộc vào việc cung - cầu bất động sản có gặp nhau hay không và niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản có trở lại hay không?.
Theo Hoà An (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.