Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn đang được triển khai rất chậm, người dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận gói tín dụng này.

Thông tư 32/2014 với những sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước, gói 30.000 tỷ đã được áp dụng để hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại với tổng giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỷ đồng. Thời gian cho vay để mua nhà có thể kéo dài 15 năm. Thông tư này ra đời mang lại niềm hy vọng cho hàng triệu người nghèo.

Tuy nhiên, tại TP HCM, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn đang được triển khai rất chậm, người dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận gói tín dụng này. Trong khi hàng trăm Dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đang được rao bán với những thông tin hấp dẫn. Trong đó, nhà đầu tư không quên lồng những từ như “đón đầu”, “hỗ trợ” hay “ưu đãi” cho người mua khi được hưởng thụ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Hàng loạt Dự án nhà ở phía Đông thành phố có giá dưới 15 triệu đồng/mét vuông dọc tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên cũng đã và đang được hình thành. Trên thực tế, những lời quảng cáo của các chủ đầu tư đã có hiệu ứng tích cực khi “chạm” đến nhu cầu của đông đảo người có thu nhập thấp ở đô thị 10 triệu dân này. Mặc dù vậy, bức tranh của thị trường bất động sản ở TP HCM vẫn chưa mấy sáng sủa khi lượng người tìm hiểu thông tin thì nhiều, mà người đặt cọc để mua nhà thì chẳng được bao nhiêu.

Mức độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ đạt khoảng 10%. (Ảnh: KT)

Ông Đào Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Vina cho biết, có nhiều người muốn mua nhà với diện tích 70m - 75 mét vuông nhưng giá bán lại không phù hợp, vượt quá tầm của người mua. Có người thu nhập tốt nhưng lại không đáp ứng được điều kiện để vay gói 30.000 tỷ đồng.

Để có thể sở hữu một căn nhà với giá khoảng 1 tỷ đồng, trước hết, người mua phải có vốn ban đầu 300 triệu. Để được vay gói 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất 5%/năm, khó khăn nhất đối với người mua nhà là khâu xét duyệt hồ sơ. Ở TP HCM, người mua nhà bắt buộc phải có hộ khẩu thành phố, phải chứng minh được thu nhập, bảo hiểm xã hội và phải được UBND dân cấp xã, phường xác nhận là chưa có đất, có nhà.

Khi hoàn tất hồ sơ ở phường, người mua nhà phải gửi qua ngân hàng và tiếp tục chờ xét duyệt. Nếu Dự án nhà ở chưa được xây xong và Ngân hàng chưa thống nhất với chủ đầu tư Dự án đó thì người mua cứ thế chờ đợi. Vì thủ tục quá rườm rà, chẳng mấy người có thu nhập thấp vay được tiền để mua nhà.

Ông Nguyễn Sắc Phong, người dân ở phường Phú Thuận, quận 7 cho biết, để người dân tiếp cận được gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là cả một quá trình dài. Người dân mong Chính phủ tách bạch ra hai chính sách, một là dành cho các nhà đầu tư bất động sản, hai là dành cho người dân nghèo thật sự có nhu cầu. Nếu nhà đầu tư mua nhà xong bán cho người nghèo thì lợi ích vẫn thuộc về những người đầu cơ.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, gói tín dụng 30.000 tỷ sẽ chỉ đến được với một nhóm của người thu nhập thấp. Cụ thể, chỉ khoảng 20% nhóm cao nhất của những người thu nhập thấp, tức là những người có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở lên mới có thể mua được nhà và có khả năng trả nợ.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc khó giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tại TP HCM là cả chính quyền địa phương và người dân còn thiếu thông tin về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của họ khi tham gia vào gói tín dụng này. Trong khi đó, nhiều người vẫn nghi ngờ về chất lượng các công trình nhà ở và cam kết của chủ đầu tư các Dự án nhà ở khi họ mua theo hình thức vay trả góp từ gói tín dụng này.

TS. Nguyễn Chí Hiếu, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam cho biết, mức độ giải ngân của gói 30.000 tỷ còn rất thấp, đâu đó chỉ khoảng 10%. Nhiều người cho rằng, gói tín dụng này còn mang nặng tính hình thức. Trên thực tế chưa giúp được thị trường bất động sản và cũng chưa giúp được bao nhiêu người dân có nhà. Chứng tỏ rằng, gói 30.000 tỷ đồng này chưa phát huy được hiệu quả.

Còn theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi giải ngân những gói hỗ trợ của Chính phủ, cán bộ tín dụng phải đến với dân, từ đó, tạo ra niềm tin rằng, ai là người đảm bảo khi người dân vay gói tín dụng này sẽ trả nợ được.

Ví dụ như Ngân hàng thế giới, khi giải ngân gói tín dụng hỗ trợ, họ giao trực tiếp cho chính quyền địa phương cấp phường, xã. Trong khi đó, cán bộ tín dụng của các Ngân hàng thương mại trong nước thì ngồi trong phòng máy lạnh, chờ người dân đến để xét duyệt. Đó không phải là cách làm tín dụng đối với người nghèo.

“Để gói 30.000 tỷ được triển khai thuận lợi, cần có sự minh bạch trong khâu xét duyệt, đối tượng doanh nghiệp và cá nhân nào sẽ được vay, vay bao nhiêu, thời hạn như thế nào? cần có 1 trang web để công khai những thông tin về gói tín dụng này. Phải minh bạch thì người ta mới thấy được tính bình đẳng trong đó, rồi có lợi ích nhóm trong đó hay không, có gì khuất tất trong đó hay không, cho người này vay tại sao không cho người kia vay”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định.

Để gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đạt được mục tiêu hỗ trợ thị trường bất động sản và mục tiêu an sinh xã hội, UBND TP HCM cần chỉ đạo quyết liệt hơn đối với các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người dân khi làm hồ sơ mua nhà. Việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cần được giao cho một số Ngân hàng Thương mại khác, thay vì 5 Ngân hàng quốc doanh như hiện nay.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng nên có chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư vào Dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, để tạo nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường bất động sản hiện nay./.

Thành Trung (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.