Được lãnh đạo UBND TPHCM, Bộ TC xem xét cho tiếp tục sử dụng khu đất “vàng”, VNA cam kết bằng văn bản sẽ hoàn tất thủ tục để khởi công DA xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao tại 27B Nguyễn Đình Chiểu, Q1 với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD vào tháng 3-2014. Chưa tới hạn, VNA lại than “khó”, xin lùi thêm hai năm nữa mới khởi công khiến các cổ đông đã góp tiền tỷ như ngồi trên đống lửa!

Sử dụng một phần diện tích khu đất “vàng” làm bãi giữ xe

Dự án ... lùi

Ngày 3-2-2010, UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ TC chấp thuận kiến nghị của VNA, buộc đơn vị cam kết về lộ trình thực hiện DA một cách cụ thể, rõ ràng. Ngày 12-3-2010, Thứ trưởng Bộ TC Nguyễn Hữu Chí ký văn bản, nêu rõ: Đồng ý kiến nghị của VNA về việc tiếp tục triển khai xây dựng khách sạn và các dịch vụ kèm theo tại 27B Nguyễn Đình Chiểu, Q1. VNA cần tích cực triển khai DA, báo cáo tiến độ thực hiện với Bộ TC và UBNDTP. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về đất đai và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Ngày 9-4-2010, VNA có văn bản xác định đã hoàn thành việc cải tạo công trình dở dang tại 27B Nguyễn Đình Chiểu và di dời phòng vé máy bay về đây hoạt động. Đơn vị đang tiến hành thủ tục theo quy định để chuẩn bị đầu tư, lập DA xây tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại trên khu đất “vàng” với tổng đầu tư khoảng 100 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng. VNA đã thực hiện các bước cơ bản của công tác chuẩn bị.

Tiếp đến, ngày 7-6-2010 VNA có văn bản đưa ra lộ trình thực hiện DA. Cụ thể, sẽ trình phương án kiến trúc được lựa chọn trong 6 tháng cuối năm 2010; lập, thẩm định, duyệt DA đầu tư trong năm 2011; tổ chức thiết kế, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2013; xin giấy phép xây dựng, huy động nguồn vốn thực hiện DA từ đầu đến giữa năm 2013; tổ chức đấu thầu xây dựng từ giữa đến cuối năm 2013, khởi công xây dựng tháng 3-2014.

Về phía Công ty AHJSC đã lập hồ sơ và được Sở KH-ĐT TPHCM cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ tư ngày 28-6-2010. Theo đó, vốn điều lệ của AHJSC vẫn là 96 tỷ đồng, nhưng có sự thay đổi về thành phần cổ đông và tỷ lệ góp vốn. Cụ thể: VNA góp 42,24 tỷ (44%), Công ty IMG 34,56 tỷ (36%), Công ty cổ phần đầu tư Vi Na 9,6 tỷ (10%, mua lại của Công ty Thiên Minh) và SASCO góp 9,6 tỷ (10%, sau này bán lại cho Công ty cổ phần MTGas).

Sau hơn 18 tháng đưa ra “lộ trình”, ngày 10-1-2012 Phó tổng giám đốc (GĐ) VNA Phan Xuân Đức ký văn bản đề nghị Bộ TC và UBNDTP cho lùi tiến độ chuẩn bị đầu tư DA thêm hai năm, khởi công tháng 3-2016. Lý do: VNA gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 bởi sự suy giảm của thị trường bất động sản cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát. Ông Đức “dự báo” năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn (!).

Bán tài sản chui, góp vốn "lụi"

Liên tục trong năm 2011, các cổ đông có nhiều văn bản gửi VNA để hoàn thành pháp lý DA, nhất là tài sản mà VNA đầu tư dở dang trên khu đất “vàng” để góp vào AHJSC. Ngày 3-10-2011, hai Tổng GĐ của hai công ty IMG và MTGas cùng ký vào văn bản gửi lãnh đạo VNA, nêu rõ: Tại cuộc họp ngày 30-9-2011, Ban chỉ đạo 09 TPHCM khẳng định VNA dùng tài sản trên khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu để góp vào AHJSC là trái luật. Việc sử dụng tài sản nhà nước để bán hoặc góp vốn phải thông qua đấu giá và được sự đồng ý của Bộ TC. Ngày 3-11-2011, Tổng GĐ Công ty IMG ký tiếp văn bản gửi lãnh đạo VNA.

Ngày 24-11-2011, Tổng GĐ của VNA Phạm Ngọc Minh ký văn bản 2376/TCTHK-BPC nêu ý kiến liên quan đến AHJSC. Ông Minh cho rằng việc góp vốn của VNA bằng tài sản đã được các cổ đông nhất trí và ký cam kết góp vốn ngày 11-10-2006. Hợp đồng nhận nợ với VNA (5,34 triệu USD, ký ngày 15-8-2007) cũng được các cổ đông thông qua và ký vào bản cam kết ngày 31-8-2007. Theo Tổng GĐ Minh, bản cam kết góp vốn có trước QĐ 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng chính phủ (TTCP) nên không cần xin ý kiến của Bộ TC. Việc đề nghị VNA xem xét lại các nội dung đã cam kết về góp vốn và nhận nợ là “không phù hợp và thiếu nhất quán”.

Tổng GĐ Công ty IMG lên tiếng, bản cam kết góp vốn ngày 11-10-2006 nhưng hợp đồng nhận nợ (thực chất là mua bán tài sản nhà nước) được ký ngày 15-8-2007, tức sau khi QĐ 09 có hiệu lực. Ngày 20-6-2012, Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ TN-MT có văn bản 749/TCQLĐĐ-CĐKTK khẳng định: Theo điểm d khoản 1 điều 14 QĐ 259/2006/QĐ-TTg ngày 13-11-2006 của TTCP (phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty mẹ - VNA) thì việc bán và góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của VNA do TTCP quyết định. Chưa được sự đồng ý của TTCP thì VNA không được bán và góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất tại 27B Nguyễn Đình Chiểu. Điều này đồng nghĩa với việc VNA bán tài sản “chui”, góp vốn “lụi”, không được pháp luật cũng như cơ quan chức năng (Bộ TC, UBNDTP) thừa nhận. Chính vì thế, đã hơn 8 năm trôi qua, việc chuyển giao pháp lý DA từ VNA cho AHJSC vẫn không thể thực hiện. Cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn xác định VNA là chủ DA.

Dự án còn bị "ngâm" dài dài

Với những gì đã và đang diễn ra, VNA khó thể khởi công DA vào tháng 3-2016. Trong đơn tố cáo đề ngày 6-5-2014 gửi các cơ quan chức năng (lãnh đạo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an...), hai công ty IMG và MTGas đề nghị làm rõ năm điểm liên quan đến một số cán bộ của VNA, xử lý nghiêm theo pháp luật nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước cũng như quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các nhà đầu tư.

Thứ nhất, văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai chỉ rõ VNA bán và góp vốn bằng tài sản trên đất gắn liền với đất tại 27B Nguyễn Đình Chiểu nhưng không xin phép TTCP theo quy định là trái pháp luật. Do đó, việc VNA bán 26% cổ phần từ AHJSC cho IMG thu gần 25 tỷ đồng cũng không đúng.

Thứ hai, TTCP đã phê duyệt đề án tái cơ cấu VNA giai đoạn 2012 - 2015 tại QĐ số 172/QĐ-TTg ngày 16-1-2013. Theo đó, VNA phải thoái vốn hoàn toàn ra khỏi AHJSC vào năm 2015. Lẽ ra phải nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo này nhưng đã hơn 18 tháng qua VNA vẫn “im lặng”, bỏ mặc cổ đông đối diện với nguy cơ mất trắng các khoản đầu tư nhiều tỷ đồng.

Thứ ba, việc định giá tài sản đã đầu tư dang dở tại 27B Nguyễn Đình Chiểu hơn 8,94 triệu USD có dấu hiệu khống. Trước đó, VNA mua lại cổ phần của S.M.I trong công ty liên doanh với giá 1,16 triệu USD. Có hai trường hợp xảy ra: nếu việc đầu tư có thật thì VNA đã bỏ hơn 7,7 triệu USD vào khâu nào của DA? Nếu là tiền chênh lệch giá thì VNA đã nộp thuế phần “dôi” ra chưa?
Thứ tư, VNA xin lùi DA nhưng không đếm xỉa gì đến các cổ đông. Việc đơn phương kéo dài DA gây thiệt hại rất lớn cho các cổ đông. Nếu nhà đất bị thu hồi, họ sẽ đối diện với nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đã đầu tư vào DA.
Thứ năm, trong lúc các cổ đông đang tranh chấp về việc góp vốn với VNA thì cán bộ của VNA lại thâu tóm toàn bộ quyền điều hành, quản lý AHJSC (giữ các chức danh chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng, thủ quỹ, trưởng BQLDA...). Lợi dụng chức vụ, Tổng GĐ của AHJSC Phạm Thúc Hòa tự ý chuyển tiền gửi của AHJSC từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, bỏ túi phần chênh lệch lãi suất, tự ý chi tiêu không thông qua cổ đông...

Tính đến nay, DA khách sạn hạng sang “tiêu chuẩn quốc tế” tại 27B Nguyễn Đình Chiểu đã tròn 20 năm nhưng vẫn còn trên giấy! Thất thoát, lãng phí từ việc quản lý, sử dụng khu đất “vàng” là tài sản nhà nước không biết bao nhiêu mà kể.

Ngày 9-5-2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản 3305/VPCP-V.I nêu rõ, hai công ty IMG và MTGas gửi đơn đến TTCP tố cáo VNA có dấu hiệu lừa đảo trong việc bán tài sản nhà nước. Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung tố cáo đến Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Văn Cương (Công an TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.