Giá vàng tăng giá theo thế giới sẽ không bất thường nếu không có chênh lệch hơn 3 triệu đồng cũng như nhân tố mua gom của các ngân hàng (NH). Trong khi đó, dù cho vay còn khó khăn nhưng các NH đang đẩy lãi suất huy động lên cao. Căn bệnh thiếu thanh khoản của NH thật khó chữa.

Thiếu trước hụt sau

Đầu tuần này, giá vàng đã lên đỉnh trong một năm qua, ở mức 47,8 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng trong nước cũng được đẩy lên mức trên 3 triệu đồng. Giá vàng đã tăng liên tiếp trong mấy tuần qua, khoảng cách giá trong nước và thế giới ngày càng nới rộng đã cho thấy dấu hiệu bất ổn của cung cầu trên thị trường. Để giải quyết vấn đề này, thị trường đã rất trông đợi vào 300.000 lượng vàng được NHNN đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, số vàng đó dường như đã không có mấy tác dụng khi trong số số hơn 300.000 lượng thì trên 270.000 lượng là vàng móp méo của NH dập lại và chuyển đổi từ vàng thương hiệu khác sang vàng SJC.

Lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng

Điều này chứng minh một thực tế đã được nói đến rất nhiều gần đây là thiếu hụt nguồn cung và tăng giá vàng là do các ngân hàng thu gom. Thực tế này, đã được chính ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch SJC nói đến từ đầu tháng 9 khi cơn sốt vàng manh nha và mới đây ông Nguyễn Thanh Trúc – Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quỹ Nông nghiệp tiếp tục khẳng định điều này. Theo đó, sự gia tăng nhu cầu về vàng của các NHTM để đảm bảo thanh khoản về vàng mới có thể là nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng.


Trước đây, khi giá vàng thấp và ổn định, ngân hàng có thể đã sử dụng nguồn vốn huy động bằng vàng để tài trợ cho các tài sản bằng các đồng tiền khác, trong đó có thể là VND và ngoại tệ. Do thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới không liên thông với nhau nên nếu muốn bù đắp lại, các NHTM chỉ còn một cách duy nhất là mua lại vàng ở trong nước. Khi giá vàng tăng, các ngân hàng sợ giá càng tăng, người dân đến rút vàng để bán lại càng đẩy mạnh mua vào khiến cho nguồn cung tăng cao. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, việc mua vàng chỉ có mỗi SJC theo quy định của NHNN nến các ngân hàng đều đổ về thương hiệu này để mua nên đã gây ra biến động cục bộ về cung cầu.

Xu hướng này, được dự báo sẽ còn tăng cao khi giá vàng đang tăng lên mức đỉnh, trong khi đó, càng cuối năm nhu cầu rút vàng về đề để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng của người dân càng lớn… sẽ đẩy các ngân hàng vào thế mua bằng được vàng để bù đắp thiếu hụt thanh khoản do mình đã ứng trước.

Điều này càng được khẳng định khi các ngân hàng không chỉ tăng mua mà một số NH còn tăng mạnh lãi suất huy động vàng phần khuyến khích người dân mua vàng gửi vào NH bất chấp đến 25.11 này, hình thức này sẽ phải chấm dứt. Tại ACB, STB và EIB, lãi suất huy động vàng đã tăng gần gấp đôi lên mức cao nhất là 1,4 - 1,6%/năm cho kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống.

Doanh nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng

Cùng với vàng, một tuần gần đây, lãi suất huy động trên thị trường cũng đã có mức tăng mạnh. Lãi suất trên 12 tháng đã được các NH đẩy lên mức 13%. Trong khi đó, lãi suất huy động dưới 12 tháng đang bị không chế trần cũng được đưa lên cao. Lãi suất 1 tháng cho những khoản tiền gửi 1 tỷ trở lên đã là 12,5%, trong khi 500 triệu đã là 12% cao hơn trước ít nhất 1%.

Điều này chỉ là diễn biến mới nhất trong “cuộc chiến vẫn khốc liệt” trên thị trường huy động vốn vốn âm ỉ và đang bùng phát mạnh vào cuối năm khi NH đồng loạt tăng khuyến mại và lãi suất.

Vừa qua, hầu hết các NH đều tung ra những gói khuyến mại lớn. Điển hình như BIDV và VRB đang liên minh tổ chức chương trình khuyến mại cho người gửi tiền có tổng giá trị 32 tỷ; ACB sau sóng gió cũng tung ra gói giải thưởng 9 tỷ cho khách hàng gửi tiền; OCB cũng đang ráo riết thực hiện chương trình khuyến mại lớn nhất năm...

Điều này có lẽ mang tính quy luật nhiều hơn khi mà năm nào cũng vậy. Càng gần đến cuối năm, vấn đề thanh khoản càng căng thẳng. Năm nay, khi NH siết chặt việc cho vay trên thị trường liên NH, thì có lẽ cuộc chiến huy động vốn sẽ còn khốc liệt hơn.

Bệnh cũ khó dứt

Nhìn trong một chuỗi như trên thì vãng, lãi suất tăng đều liên quan đến nhân tố thanh khoản của NH. Nhưng điều có thể như là một nghịch lý đặt ra là tại sao khi lệ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế vẫn rất thấp. Đến tháng 9/2012, con số này vẫn chỉ ở mức 1,8%. Trong khi đó, việc tăng trưởng huy động lại cao hơn hẳn, vượt 11%.

Trong báo cáo mới đây về hoạt động ngân hàng trong quý 3, NHNN cũng đã thừa nhận thực tế này. Theo đó, đang có hiện tượng một số NH nhỏ đang không có tài sản thế chấp để vay trên thị trường liên NH, cũng không có giấy tờ có giá để vay trên thị trường mở nên đã sẵn sàng nâng lãi suất. Tình trạng huy động tiền vượt trần lãi suất vẫn tiếp diễn trong bối cảnh tín dụng không cao cho thấy thanh khoản của những NH này dường như đang có vấn đề.

Điều này cho thấy, sự ổn định tạm thời và bề mặt chưa cho thấy bền vững trong vấn đề thanh khoản của các NH. Từ đó cũng dễ hiểu vì sao cứ ngân hàng này khuyến mại, ngân hàng khác cũng ồ ạt tung ra các chương trình tặng quà, và rất nhiều chương trình na ná nhau. Và các phương thức khuyến mại được xem là cách chủ lực để giữ chân, câu kéo khách hàng trong khi áp lực thanh khoản vẫn rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, thanh khoản của các NH tuy đã được cải thiện, nhưng chưa hẳn đã "bình phục" hoàn toàn, hiện tượng tăng lãi suất huy động không phải để cho khách hàng vay đã nói lên điều này.

Tuy nhiên, tình trạng này thể hiện sự bất ổn của nền kinh tế. Trong khi DN đang sống dở chết dở thì tiền vẫn chạy lòng vòng không đưa vào sản xuất. Kết cục là DN không có vốn, không thể tiếp tục hoạt động, phải đóng cửa, nợ hiện tại lại trở thành nợ xấu, NH lại tiếp tục không cho vay, như vậy nền kinh tế không thể phát triển. Về dài hạn, điều này lại là mầm mống gây ra hậu quả về lâu dài.

Theo Lê Phong - Hoàng An (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.