Đa số các DN đều cho rằng, nếu được hưởng đầy đủ những cơ chế chính sách hỗ trợ theo quy định, họ có thể giảm được giá nhà thu nhập thấp (TNT) đáng kể so với hiện nay. Bên cạnh đó các địa phương cần chủ động phối hợp tạo cơ chế cụ thể hỗ trợ vốn vay cho các đối tượng mua nhà. Có như vậy các dự án nhà ở xã hội mới thực sự đạt hiệu quả theo đúng nghĩa của nó.


Nhà thu nhập thấp do Vicoland làm chủ đầu tư trên địa bàn TP Huế.

Chính quyền vào cuộc

Theo Công văn 3988 ngày 11/9/2010 của UBND tỉnh TT-Huế, giá bán kế hoạch bình quân 1m2 nhà căn hộ tại dự án nhà TNT Bãi Dâu là 6 triệu đồng. Tuy nhiên theo ông Võ Quang Hưng - Phó giám đốc Cty Kinh doanh nhà TT-Huế (chủ đầu tư dự án), tổng hợp chi phí hoàn thành dự án hiện nay, giá bán bình quân lên đến 6,7 - 7 triệu đ/m2, mức giá này khá cao so với người TNT cũng như mặt bằng giá nhà của TP Huế. Ông Hưng khẳng định, nếu dự án được hỗ trợ lãi vay và được hưởng các ưu đãi theo đúng quy định, dự kiến giá bán kế hoạch bình quân sẽ chỉ còn 5,4 triệu đ/m2.

Tương tự như vậy, tại dự án nhà TNT An Vân Dương của Vicoland, ông Hồ Văn Thu cũng cho biết: Dự án có giá bán 6,2 triệu đ/m2, tuy nhiên nếu nhận được hỗ trợ về vốn vay, hỗ trợ về thuế… dự án có thể giảm được từ 5 - 7%, thậm chí còn rẻ hơn nữa. “Vốn đầu tư thì lớn, DN phải vay vốn thương mại lãi suất cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá nhà. Người dân không có tiền mua nhà, DN càng phải gánh nhiều rủi ro”, ông Thu trăn trở.

Mặc dù lợi nhuận dự án nhà xã hội được tính 10% định mức đầu tư, nhưng DN nào khi được hỏi cũng đều mong muốn hạ được giá thành hơn nữa (nếu được hỗ trợ), đồng nghĩa với việc DN giảm được rủi ro và người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Nhìn từ thực tế triển khai của Hà Nội, theo quy định, DN được miễn giảm thuế VAT và thuế thu nhập DN, tuy nhiên việc miễn giảm chỉ được thực hiện trong năm 2009, nhưng hầu hết các dự án nhà TNT đều khởi công năm 2010. Trên địa bàn có nhiều dự án nhà TNT, nhưng chỉ duy nhất dự án Đặng Xá của VIGLACERA được vay vốn từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển còn lại các dự án đều phải thế chấp để vay thương mại để triển khai. Tiền sử dụng đất được miễn giảm nhưng phân bổ cho nhà cao tầng thì cũng không đáng kể, không kéo giá nhà xuống được nhiều. Các DN triển khai dự án tại Hà Nội đều khẳng định: Nếu không phải trả lãi vay ngân hàng cao trong suốt thời gian dài, giá nhà TNT đã có thể giảm rất nhiều. Qua thanh tra một vài dự án nhà TNT vừa qua, đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết, với các hỗ trợ được đặt ra nhưng thực tế các DN làm nhà TNT mới chỉ được miễn tiền sử dụng đất, trong khi lãi bị khống chế 10%. Nếu muốn giảm được giá nhà TNT cần phải thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách…

Đi trước để nắm được nhu cầu

Chủ động bố trí, tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận quỹ đất sạch, phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ về vốn vay cho các DN, đồng thời nhận trách nhiệm xét duyệt để đưa ra danh sách các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội - Đó chính là cách làm của chính quyền TP Đà Nẵng đã và đang triển khai hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà TNT, khuyến khích được các DN tham gia đầu tư xây dựng cũng như đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Vicoland cũng là DN tiên phong đầu tư xây dựng nhà TNT tại Đà Nẵng, đại diện DN này cho biết, DN chủ động xác định được đầu ra do TP cung cấp danh sách các đối tượng được mua nhà đã được xét duyệt. Như vậy DN sẽ tránh được phiền phức cũng như không phải gánh trách nhiệm khi xảy ra các trường hợp vi phạm về đối tượng được hưởng, chuyên tâm vào triển khai dự án… Do triển khai dự án thuận lợi nên ngay từ đầu giá bán được xác định chỉ trên 5 triệu đ/m2.

Trong khi đó tại Hà Nội và một số địa phương khác, các DN có dự án đều phản ánh mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ, phải hướng dẫn người dân, thậm chí phải hướng dẫn cả chính quyền xác nhận hồ sơ thế nào cho đúng. Nếu sơ suất, xảy ra trường hợp nào vi phạm, DN sẽ bị kiện cáo, phải gánh trách nhiệm giải quyết rất phiền phức, khiến các DN rất “oải”. Từ thực tế này, các DN đều cho rằng các địa phương cần chủ động nắm rõ nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà TNT thông qua việc tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở phù hợp, cụ thể, đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, mục tiêu phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội đã được pháp lệnh hóa thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, coi là nhiệm vụ chính trị, kinh tế quan trọng từ Trung ương đến địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, mục tiêu, chiến lược, trách nhiệm rõ, nhưng chính sách có đi vào cuộc sống hay không phải có các giải pháp tổ chức thực hiện, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những cơ chế hỗ trợ chung của Nhà nước theo quy định, DN phải được hưởng thêm cơ chế hỗ trợ của địa phương. Nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các DN không thể lấy tài sản hay các dự án để thế chấp các ngân hàng, địa phương cần chủ động đề xuất với các tổ chức tín dụng cho DN, cho người mua nhà được vay ưu đãi. Ngoài việc tìm nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn từ phía Nhà nước, các địa phương cần bố trí nguồn vốn để phát triển quỹ nhà xã hội, nhất là nhà cho thuê, thuê mua… Đây chính là các giải pháp quan trọng khuyến khích DN tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người mua nhà tiếp cận được nhà ở.

Theo Báo Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.