“Vòng kim cô” tín dụng với bất động sản (BĐS) đã được gỡ bỏ phần nào.
Các doanh nghiệp bất động sản muốn có thêm ưu đãi từ chính sách thu tiền sử dụng đất. Ảnh: Đ.K

Một số ngân hàng lớn đã công bố các gói tín dụng hàng nghìn tỷ đồng cho khách vay mua nhà. Tuy nhiên, từng đó dường như vẫn chưa đủ, các doanh nghiệp BĐS còn muốn có thêm các ưu đãi từ chính sách.
“Tháo khoán, hạ lãi suất” vẫn chưa… đủ!
Khoản 1, Điều 3, Nghị định 120/2010
“Trường hợp nhà đầu tư thực hiện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt theo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trước ngày 1/10/ 2009 thì được trừ chi phí bồi thường đất, hỗ trợ đất vào tiền sử dụng đất phải nộp, mức được trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp. Trường hợp nhà đầu tư thực hiện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án đã được phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ thì được trừ số tiền đã ứng trước vào tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ”.
Ngày 20/4, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố gói tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng, triển khai chính thức từ 1/5 để cho người mua nhà vay, tại các dự án do BIDV tài trợ. Mức lãi suất dự kiến sẽ khoảng16%/năm, chưa kể phần hỗ trợ của chủ dự án. Thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà. T
rước đó, một loạt các Ngân hàng TMCP như: Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Phát triển Nhà thành phố Hồ Chí Minh (HDBank); Hàng hải (Maritime Bank); Á Châu (ACB)… cũng công bố các gói tín dụng trị giá hàng nghìn tỷ đồng với mức lãi suất cho vay từ 15 đến 18% cho các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng hoặc vay mua, sửa, xây nhà.

Đa số các khoản vay BĐS đã được loại khỏi danh mục các lĩnh vực không khuyến khích đã được NHNN công bố trong văn bản số 2056, ngay 10/4. Cụ thể, văn bản này đã loại trừ khỏi danh mục các lĩnh vực không khuyến khích các đối tượng có nhu cầu vay như: Xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; Xây dựng các công trình, dự án phát triển nha ở trong khu đô thị; Xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng vay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, với quyết định này NHNN gần như đã mở “hết cửa” đối với các nhu cầu vay bất động sản và tiêu dùng.

Cùng với việc hạ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng được cho là có cơ sở để hạ, từ đó tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ của doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Theo Thống đốc NHNN, lãi suất cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn hiện ở mức 14-16%/năm, cho vay sản xuất khác từ 15-19%/năm. Khi loại khỏi lĩnh vực không khuyến khích sản xuất, các khoản vay bất động sản cũng sẽ được hưởng mức lãi suất 15-19% này.
“Được voi” lại “đòi tiên”?

Trong khi vốn ngân hàng đã được mở trở lại thì, thời gian gần đây các doanh nghiệp BĐS lại tiếp tục phàn nàn về những khó khăn từ chính sách thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 69/2009 và Nghị định 120/2010 của Chính phủ. Nghị định 69 có hiệu lực từ năm 2009, Nghị định 120 có hiệu lực từ ngày 1/3/2011, nhưng không phải tự nhiên đến nay các doanh nghiệp mới “kêu ca dữ dội” như vậy. Nếu trước đây, khi thị trường còn đang nóng, giá nhà tăng “vô tư” thì tiền sử dụng đất phải nộp dù có lớn cũng dễ dàng được đẩy vào giá BĐS.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay thì khác. Khi các doanh nghiệp muốn hạ giá nhà để hút khách mua thì buộc phải tính chuyện cắt giảm chi phí. Khi đó họ mới nhận ra tiền sử dụng đất là một khoản không nhỏ mà trước đây họ đa không hề tính đến. Nhận định này không phải là không có cơ sở, vì các doanh nghiệp BĐS TP Hồ Chí Minh, trong buổi gặp gỡ với đoàn chuyên gia của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng “tiền sử dụng đất cao đang là rào cản cho việc hạ giá nhà”, thậm chí có doanh nghiệp còn xin lấy đất ra để… nộp tiền sử dụng đất!

Theo Nghị định 69/2009 và Nghị định 120/2010, giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Trường hợp giá đất do UBND cấp tỉnh quy định chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì sẽ căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp. Chính đây là điểm khiến các doanh nghiệp kêu trời. Bởi thực tế, khung giá đất do nhà nước quy định có khoảng cách rất lớn so với giá thị trường.
Chẳng hạn, theo khung giá đất năm 2012 của UBND TP Hồ Chí Minh, giá đất tại đường Điện Biên Phủ, quận 1, đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến đường Đinh Tiên Hoàng có giá 26,4 triệu đồng/m2. Nhưng trên thị trường, giá nhà ở khu vực đường Điện Biên Phủ, quận 1 được rao bán với mức xấp xỉ 100 triệu đồng/m2. Khoảng cách lớn giữa khung giá với giá thị trường, nên hầu hết các trường hợp giá đất tính thu tiền sử dụng đất phải qua khâu thẩm định giá sẽ phải chịu với mức giá cao gấp nhiều lần so với khung giá đất của Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với một khoản chi phí lớn sẽ bị đội lên.

Tuy nhiên, không thể chỉ nghe doanh nghiệp phàn nàn một chiều. Ngay Nghị định 120, tại Điều 3 “Xử lý một số vấn đề tồn tại khi Nghị định nay có hiệu lực thi hanh” đã có những điều khoản tháo gỡ. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 3 đã cho phép nhà đầu tư “được trừ chi phí bồi thường đất, hỗ trợ đất vào tiền sử dụng đất phải nộp”, mức được trừ tối đa có thể bằng đúng số tiền sử dụng đất phải nộp. Có hợp lý không, khi thị trường sôi động, các doanh nghiệp bắt tay làm giá thu lợi, nay khi khó khăn, các doanh nghiệp lại đòi Nhà nước cứu giúp, trong khi tiền của Nhà nước ở đâu ra, nếu không phải từ tiền thuế của dân?
Theo Báo Gia Đình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.