Nỗi lo của nhiều ngân hàng thương mại ngày một tăng khi giá trị của tài sản thế chấp các khoản vay là bất động sản giảm từng ngày và việc giải chấp vào lúc này là vô cùng khó khăn.

Vào thời kỳ thị trường bất động sản bùng nổ, khu đất này có thể được định giá nhiều chục tỷ đồng. Ảnh: H.Q

Ra đường gặp “nợ xấu”

Cuối tháng 8/2012, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Hà Nội đã tiến hành niêm phong khu đất có diện tích khoảng 200 m2 với 2 mặt đường Lạc Long Quân – đường dạo ven Hồ Tây ở gần Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) để đảm bảo khoản nợ quá hạn của chủ khu đất này.

Khi phóng viên Báo Đầu tư gọi điện đến số điện thoại ghi trên tờ niêm phong khu đất với ý muốn mua lại khu đất từ Vietcombank, thì một cán bộ ngân hàng này cho biết, ngân hàng mới chỉ thực hiện niêm phong khu đất theo lộ trình thu hồi nợ để tránh việc người dân mua phải khu đất là tài sản thế chấp của ngân hàng, chứ chưa thể thực hiện phát mại khu đất.

Theo vị cán bộ này, việc tiến hành phát mại phải trải qua quá trình thủ tục hết sức khó khăn, bởi ngân hàng cần thực hiện lại quy trình xác định nguồn gốc đất và chuẩn bị các thủ tục pháp lý để tiến hành phát mại. Với khu đất 2 mặt đường tuyệt đẹp, ước tính, khoản nợ của chủ đất tại Vietcombank lên đến hàng chục tỷ đồng.

Việc làm thủ tục phát mại tài sản mất rất nhiều thời gian và vị cán bộ này đề nghị, nếu khách hàng quan tâm có thể để lại địa chỉ, số điện thoại và ngân hàng sẽ liên lạc lại khi có đủ giấy tờ, trình tự, thủ tục cần thiết. Vị này cũng lưu ý, ngân hàng có thể thực hiện bán khoản nợ này cho cá nhân, tổ chức khác kèm theo quyền sử dụng tài sản thế chấp, mà không thực hiện phát mại khu đất theo hình thức đấu giá. Việc phát mại tài sản thế chấp chỉ là “bước cuối cùng”.

Hiện tại, với một số dự án bất động sản (BĐS) khu vực Hà Đông, Hoài Đức, Mê Linh (Hà Nội), người mua sẽ dễ dàng tìm được những lô đất biệt thự, nhà liền kề bị ngân hàng niêm phong. Đây là những khu đất của các khách hàng vay nợ đã hoàn toàn mất khả năng thanh toán, chấp nhận bị niêm phong và phát mại tài sản.

Tại nhiều lô đất biệt thự, nhà liền kề ở Khu đô thị Hà Phong, Cienco 5… (huyện Mê Linh) trước đây được định giá cả chục tỷ đồng, nay chỉ được định giá khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Như vậy, kể cả khi ngân hàng phát mại tài sản thế chấp thì cũng khó tìm được khách mua. Trong khi đó, giá trị của các tài sản đảm bảo này tiếp tục giảm giá theo đà suy giảm của thị trường BĐS. Mỗi ngày trôi qua, việc thực hiện giải chấp các BĐS thế chấp càng trở nên khó khăn!

“Mất cắp” tài sản đảm bảo

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với hơn 1 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 tổ chức tín dụng (chiếm 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng này) cho thấy, tính đến ngày 31/3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Một lượng không nhỏ tín dụng và nhiều tổ chức tín dụng tập trung đầu tư BĐS. Khi thị trường BĐS đóng băng, giá BĐS giảm sâu, kéo theo nợ xấu cho vay tăng nhanh trong lĩnh vực này.

Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tính đến ngày 31/5/2012, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS là 197.000 tỷ đồng (trong tổng dự nợ 2,6 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống ngân hàng). Trong đó, nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS là khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm 6,5% dư nợ BĐS và tương đương 10,3% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Khoảng 80% các khoản vay có tài sản đảm bảo là BĐS.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, vào thời kỳ thị trường BĐS phát triển bùng nổ, áp lực tăng trưởng tín dụng khiến các ông chủ ngân hàng quá mạnh tay cho vay trong lĩnh vực này. Thời kỳ đó, nếu không chấp nhận cho vay BĐS, thì không tồn tại được và giờ là lúc các ngân hàng thương mại chật vật vì phải ôm “cục nợ” thế chấp bằng BĐS mà chưa có cách giải quyết.

Nếu một thời, BĐS được coi là “đảm bảo vàng” cho các khoản vay tại các ngân hàng thương mại, thì hiện tại, loại tài sản thế chấp này lại là những “khối u” của các ngân hàng. Hiện có quá nhiều cái khó đặt ra cho chủ nợ là các ngân hàng thương mại với loại tài sản đảm bảo là BĐS.

Thứ nhất, thanh khoản của thị trường BĐS đang ở mức rất thấp, nhất là với phân khúc đất nền biệt thự, nhà liền kề.

Thứ hai, giá BĐS liên tục giảm, khiến giá trị của tài sản đảm bảo cũng “bốc hơi” theo. Vào thời kỳ thị trường địa ốc phát triển (2007 – 2009), ngân hàng có thể cho vay tối đa đến 70% giá trị tài sản là BĐS, nhưng hiện, tại nhiều khu vực, giá BĐS giảm mạnh so với thời kỳ sốt giá đang đẩy chủ nợ vào thế bị “mất cắp” các tài sản đảm bảo.

Thứ ba, việc phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ hết sức phức tạp. Từ đầu tháng 8/2012, Vietcombank đã thông báo phát mại hàng chục khu đất, nhà xưởng, nhà ở là tài sản đảm bảo cho các khoản vay từ năm 2009 – 2010 tại Bắc Giang, Nha Trang, Bình Dương, Cần Thơ... mà khách hàng đã mất khả năng thanh toán, nhưng số người mua các tài sản đảm bảo này cũng không nhiều.

Tuy nhiên, công việc phát mại được dự báo là không dễ. Trong một số trường hợp, nếu các hợp đồng tín dụng có sự gian dối trong việc thế chấp tài sản, thì theo Bộ luật Dân sự, hợp đồng là vô hiệu và nguy cơ mất vốn vay của ngân hàng là hiện hữu.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, ngân hàng muốn phát mại tài sản thế chấp thì phải kiện con nợ ra toà và gần như chắc chắn phải qua 3 cấp tòa án là sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, tốn nhiều thời gian và phải hoàn tất nhiều thủ tục khác. Do vậy, việc xử lý nợ xấu có thế chấp là BĐS đang là bài toán nan giải.

Theo Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.