Nhà “ổ chuột” không chỉ có ở “xóm nước đen” dọc theo kênh rạch mà còn len lỏi trong các khu dân cư, khu nghĩa địa tập trung nhiều ở vùng ven, ngoại thành.
Đường Lê Văn Khương chạy dài từ ngã tư Tân Thới Hiệp (quận 12, TP Hồ Chí Minh) đến xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) là một con đường rộng lớn, trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường nhà cửa mọc san sát, tuy chưa thật bắt mắt nhưng vẫn toát lên vẻ hiện đại, sạch sẽ, thông thoáng của một vùng ven đô. Nhưng nếu lấy đó làm bộ mặt tiêu biểu của vùng đô thị hóa này thì lầm to, vì các con đường xương cá nằm dọc theo tuyến đường này là lối vào những khu “ổ chuột”, trong đó có một số “thành phố ma” theo đúng nghĩa đen của nó.
Một trong những “thành phố ma” nổi tiếng ở đây nằm ở ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Các con đường mòn vào khu dân cư có đoạn chỉ rộng khoảng nửa mét , hai xe gắn máy chạy ngược chiều giao nhau thì chỉ có một cách duy nhất là lùi xe lại để tìm khoảng trống. Đặc biệt hơn, tứ bề ở khu vực này đâu đâu cũng có mồ mả và hễ có một khoảng trống nào thì ở đó mọc lên căn nhà. Cho nên hình thù của các căn nhà rất phong phú, có căn người chủ còn không biết diện tích chính xác là bao nhiêu do có nhiều góc cạnh.
Bác Nguyễn Văn Hai, một người dân sống lâu năm ở đây cho biết, các nghĩa địa này là nghĩa địa của làng hoặc của gia tộc bị những người từ nơi khác đến lấn chiếm cất nhà ở rồi mua bán giấy tay với nhau. Phần đông cư dân của “thành phố ma” đến từ các tỉnh, sống bằng nghề buôn nhỏ hoặc bán vé số, đánh giày, đấm bóp…
Nhà “ổ chuột” là điểm nhấn xấu với thành phố.
Chị Nguyệt Anh, quê ở Quảng Ngãi, hành nghề bán hủ tiếu gõ, cho biết: Cách nay 5 năm, hai vợ chồng chị dành dụm được gần 50 triệu đồng. Với số tiền này mà tìm mua một căn nhà để ở là không thể nên vợ chồng mới tìm đến “thành phố ma” mua miếng đất gần 30m² nằm lọt thỏm giữa các ngôi mộ rồi cất lên căn nhà cấp 4, thế là an cư.
Tương tự, các phường trung tâm của quận 12 như Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp, Hiệp Thành, tuy có bộ mặt bên ngoài khá sáng sủa nhưng phía bên trong là hàng loạt “thành phố ma” không chỉ phá vỡ mỹ quan đô thị mà còn gây biết bao hệ lụy về sau… Giống như Hóc Môn, quận 12 là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Gò Vấp… hiện có khá nhiều khu “ổ chuột” mới nổi “đạt” theo 3 “tiêu chí” chính là xập xệ, chật chội và ô nhiễm môi trường.
Quận 4 vào thời điểm trước khi băng nhóm tội phạm khét tiếng Trương Văn Cam (Năm Cam) chưa bị xóa sổ là một địa bàn rất phức tạp về trật tự xã hội với bình quân mỗi năm xảy ra hơn 1.000 vụ phạm pháp hình sự mà phần lớn là trọng án. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các khu nhà “ổ chuột” như Tôn Đản, Khánh Hội, Tôn Thất Thuyết, Xóm Chiếu, Đòan Văn Bơ… là nơi rất “lý tưởng” để bọn tội phạm lẩn trốn. Bởi lẽ, nhà ở đây được xây dựng theo dạng bàn cờ, các con hẻm thì lại nhỏ và chằng chịt nên tội phạm dễ dàng tẩu thoát khi bị truy bắt.
Còn bây giờ quận 4 đã thật sự thay da đổi thịt, nhà “ổ chuột” bị giải tỏa, thay vào đó là những chung cư cao tầng, những đường phố khang trang. Việc quận 4 nỗ lực trong sạch hóa địa bàn không chỉ là niềm vui của người dân nơi đây, mà còn cho cả người dân thành phố vì tội phạm gây án vốn không có ranh giới địa bàn. Nhà “ổ chuột” chỉ là nơi mà chúng ẩn mình, cho nên, bất cứ địa phương nào còn tồn tại nhà “ổ chuột” cũng là mối nguy hại chung chứ không riêng gì địa phương đó. Chính vì vậy mà khi tiếp cận những khu nhà “ổ chuột” ở quận Thủ Đức, chúng tôi đã thật sự giật mình vì hình ảnh ập vào mắt chẳng khác gì ở quận 4 của cái thời còn là “thủ phủ” của băng nhóm giang hồ.
Qua cầu Bình Triệu, men theo đường Phạm Văn Đồng non nửa cây số rẽ trái qua đường ray xe lửa là đến khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Từ con đường nằm song song với đường Phạm Văn Đồng rẽ vào các con đường mang số 45, 46, 47, 48 là vào những khu “ổ chuột” phía bên trong.
Khi bước chân vào đây, chúng tôi có cảm giác như mình lạc vào một thế giới khác, thế giới của những con hẻm chi chít, đan xen chằng chịt, nhiều căn nhà có hai mặt tiền hẻm giống ở quận 4 trước đây. Ban ngày, khu dân cư ở đây khá vắng lặng, một số đi làm, số còn lại thì ngủ ở nhà do họ làm công việc về đêm. Điểm nổi bật ở khu vực này là nhà cửa được xây dựng khá kiên cố, tuy nhiên vì hầu hết xây dựng trái phép, tự phát nên khá lộn xộn. Những khối bê tông hình hộp này chắc chắn sẽ là sự cản trở rất lớn trong quá trình phát triển thành những khu đô thị văn minh, sạch đẹp. Nguy hiểm hơn là do đường quá nhỏ nên nếu có xảy ra hỏa họan thì đành phải chịu vì xe cứu hỏa không thể vào.
Một khu bàn cờ khác cũng ở Thủ Đức là khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước. Nơi đây từng là vùng trồng mai khá nổi tiếng ở quận Thủ Đức, sản sinh ra nhiều triệu phú là các nghệ nhân. Thế nhưng, khi cơn sốt đất ngoại thành diễn ra, đất đai lên giá, nhiều người muốn nhanh chóng đổi đời đã phân lô hộ lẻ trên đất trồng mai để bán đất nền.
Ban đầu, theo qui hoạch của người dân các con đường trong khu dân cư tự phát này rộng trung bình là 4m, nhưng sau đó vì tiếc “tấc đất tấc vàng” nên họ thu hẹp còn 2m. Người chuyển nhượng đất lại sinh lòng tham, cất lấn ra thêm từ vài tấc đến 1 mét, thế là bây giờ con đường nào cũng trở nên ngoằn ngoèo, nhỏ xíu. Vào mùa mưa, đường sá ở đây lầy lội chẳng khác một vùng quê dù chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số.
Căn cứ vào các tiêu chí về phân loại đô thị thì TP HCM chia làm 3 khu vực: nội đô gồm 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh; khu vực vùng ven gồm 6 quận mới là 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và khu vực ngoại thành là các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ.
Theo qui luật phát triển chung thì khu vực vùng ven TP HCM không chỉ cung ứng một khối lượng đáng kể nhà ở cho các hộ dân sống chật chội trong khu vực nội ô mà còn “hứng” cả dân nhập cư từ các tỉnh đổ vào thành phố, bình quân từ 100-200 ngàn người/ năm (tốc độ tăng dân số cơ học của các quận 7, 12 và Thủ Đức nằm trong nhóm cao nhất TP với tỷ lệ từ 6,3-9%/năm).
Nguồn lao động dồi dào đến từ các tỉnh đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; song cũng là nguyên nhân gây quá tải về cơ sở hạ tầng, điều kiện môi trường và mỹ quan TP. Trong đó riêng về vấn đề nhà ở đã tạo nên một sự biến động lớn theo hướng tiêu cực. Đó là sự chuyển đổi một cách ào ạt mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang thổ cư một cách tự phát, không theo qui hoạch cũng như qui định của pháp luật về đất đai - đây là nguyên nhân chính hình thành nên những khu nhà “ổ chuột”.
Mặt khác, để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân TP nói chung và người có thu nhập thấp nói riêng, những năm qua TP HCM đã hình thành nhiều dự án nhà ở chính sách, nhà ở cho người có thu nhập thấp… nhưng thực tế với vài trăm triệu một căn hộ thì “người thấp”… với không tới! Đây chính là vấn đề cốt lõi mà nhà chức trách cần phải nghiên cứu kỹ để có những giải pháp phù hợp hơn nữa. Mặt khác, qua thực trạng xây dựng trái phép cho thấy rằng, nếu như chính quyền không làm ngơ thì chắc chắn những khu “ổ chuột” mới khó có thể hình thành.
Phương Tuyền (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.