Giá cước vận tải “dính” hậu quả từ việc siết chặt xe chở quá tải đã rục rịch tăng lên. Giới tài xế than phiền thu nhập giảm hẳn, chủ đầu tư các dự án xây dựng đang phải “gánh” chi phí vật liệu tăng cao…
Hàng loạt xe tải xếp hàng “né” trạm cân ở đường vào mỏ đá Kiện Khê (Hà Nam)
Ông Bùi Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thái (Phú Thọ) cho biết, kể từ đầu tháng ba đến nay, lượng vật liệu từ mỏ của ông “về xuôi” đã giảm hẳn. Theo đó, nếu trước đây cát xây dựng bán đều thì trong mấy tháng qua, xe vào lấy hàng đã giảm xuống rõ rệt.
Theo ghi nhận của PV, tại những tuyến tỉnh lộ có đặt trạm cân thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam, Trạm cân Bồng Lạng và Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) án ngữ đường vào mỏ đá Kiện Khê, nơi cung cấp đá xây dựng cho Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội lượng xe quá tải đã giảm. Theo các tài xế, kể từ ngày lắp đặt trạm cân, hoạt động vận tải ở đây chùng xuống hẳn.
“Khi chưa có trạm cân, bình quân mỗi tháng thu nhập của chúng em được 6 triệu, nay giảm xuống còn một nửa - ” lái xe tải ở mỏ Kiện Khê Nguyễn Đình Văn cho biết. “Bây giờ một ngày chạy được một, hai chuyến được 2 trăm ngàn tiền công, ăn sáng, ăn trưa mất 70 ngàn rồi”, Văn nói về thu nhập bị giảm.
Đáng lo ngại nhất vẫn là chủ đầu tư các dự án đang triển khai cũng như chủ các bãi khai thác đá. Khi xe tải phải chở đúng tải trọng, giá cước và giá vật liệu đến chân công trình sẽ tăng. Ông Lê Hải Xuân, đơn vị nhận san lấp mặt bằng cho một dự án công nghiệp tại Hà Nội cho biết, trước đây mỗi khối đá có giá 200.000 đồng, bây giờ đã tăng lên 300.000 đồng.
“Chúng tôi đã phải trình chủ đầu tư phương án điều chỉnh mức giá khi vật liệu biến động, nếu những dự án phải sử dụng hàng nghìn khối đá như của chúng tôi mà không có sự điều chỉnh thì đơn vị san lấp, thi công mặt bằng lỗ nặng” - ông Xuân than vãn.
Chủ doanh nghiệp của các loạt vật liệu khác như xi măng, sắt thép cũng đang đối mặt với việc tăng giá cước. Đại diện một nhà máy xi măng tại Ninh Bình và Thanh Hóa cho biết, hiện tại họ đang hợp đồng với đơn vị vận chuyển hàng trăm nghìn tấn xi măng cho các dự án cảng biển và cầu vượt sông ở Hà Nội và Hải Phòng.
Đơn vị vận tải đã chính thức có văn bản đề nghị điều chỉnh lại chi phí vận tải. Theo đó, khi chưa siết chặt xe quá tải, giá cước vận chuyển mỗi tấn xi măng từ Thanh Hóa ra Hà Nội 250.000 đồng, thì hiện nay mức giá đã tăng lên khoảng 540.000 đồng, thậm chỉ là 600.000 đồng cho mỗi tấn xi măng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay, Hiệp hội này cũng dự đoán giá cước vận tải tới đây sẽ được điều chỉnh về đúng giá trị thật nhờ việc kiểm soát tải trọng xe, nhưng ông cũng khuyến cáo không nên tạo mức tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá mặt bằng chung sau khi được điều chỉnh./.
Việt Hưng (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.