Sau đợt bán tháo vàng tuần này vì những lo ngại về sự giảm tốc và giảm phát của nền kinh tế toàn cầu, giới quan sát tiếp tục theo dõi diễn biến khủng hoảng nợ châu Âu và khả năng vàng có giữ được mốc hỗ trợ 1.520 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 tháng qua dựa trên giá vàng đóng cửa tại thị trường New York - Nguồn: Kitco.

Vàng thế giới đã giảm giá mạnh trong tuần này. Trên sàn NYMEX, giá vàng giao tháng 8 hạ gần 3,8% trong tuần, chốt ở mức 1.566,9 USD/oz, còn trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay đã giảm 3,5%, đóng cửa tuần ở mức 1.573,3 USD/oz.

Trong cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia về dự báo giá vàng tuần tới do trang tin kim loại quý Kitco News thực hiện, có 12/28 người phản hồi dự báo giá tăng, 9 người dự báo giá giảm và 7 người nhận định giá đi ngang. Tham gia vào cuộc thăm dò này là các công ty giao dịch vàng, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch hàng hóa giao sau, quản lý quỹ và chuyên gia phân tích kỹ thuật.

Tuần này là một tuần đầy biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Đầu tuần, các nhà đầu tư thở phào sau khi Hy Lạp công bố kết quả bầu cử với phần thắng nghiêng về phe ủng hộ Athens ở lại trong khối Eurozone. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, vì các cuộc đàm phán về việc cứu Hy Lạp vẫn còn nhiều khúc mắc trong khi hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha vẫn ngập sâu trong bất ổn.

Tâm lý thất vọng của thị trường tiếp tục được đẩy lên một nấc mới sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau cuộc họp hôm 20/6 đã không đưa ra một gói nới lỏng định lượng mới mà chỉ kéo dài thêm chương trình hoán đổi kỳ hạn trái phiếu. Chưa hết, trong ngày thứ Năm, thị trường đón nhận một loạt dữ liệu kém tươi sáng về lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Mỹ và Trung Quốc.

Dầu thô đã giảm giá mạnh trong tuần này, khiến lạm phát không còn là một mối lo nữa. Thay vào đó, các nhà đầu tư chuyển sang lo ngại về khả năng giảm phát có thể xảy ra ở một số nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Phiên giảm giá ngày thứ Tư của vàng cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư mua vàng trước đó đều mua vì nỗi lo lạm phát. Khi FED tuyên bố không có gói nới lỏng định lượng (QE3) thì các nhà đầu tư này chốt lời hoặc giảm khối lượng nắm giữ ngay”, ông Jimmy Tintle, Giám đốc công ty Greenkye Alternative Asset Services, nhận xét.

Ông Tintle cho biết, ông đang theo dõi xem liệu vàng có phá đáy 1.520 USD/oz. “Nếu vàng giảm về vùng 1.510-1.500 USD/oz thì một đợt bán tháo lớn có thể xảy ra. Khi đó, giá vàng có thể sụt về vùng 1.400-1.380 USD/oz. Đây là kịch bản xấu, nhưng tôi thực sự lo về nguy cơ mất giá của vàng trừ phi vàng đóng cửa trên mức giá 1.635 USD/oz”, ông Tintle phát biểu với Kitco News.

Trên thị trường vàng vật chất, lực hỗ trợ cho giá vàng hiện cũng hầu như không có. Theo hãng tin Reuters, nhu cầu vàng vật chất ở các thị trường lớn nhất thuộc châu Á đang ở mức yếu. Ở Ấn Độ, hoạt động mua vàng của người dân chịu ảnh hưởng bất lợi bởi mùa mưa và tỷ giá đồng Rupee ở mức thấp kỷ lục, chưa kể mức thuế nhập khẩu 4% đánh vào vàng.

Trong 2 tháng đầu tiên của năm tài khóa bắt đầu vào tháng 4 năm nay, giá trị nhập khẩu vàng vào Ấn Độ đã giảm 6,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước - Bộ Tài chính nước này cho biết.

Trong tuần tới, sự kiện lớn nhất được lên lịch là Hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Âu (EU), diễn ra vào ngày 28-29/6. Tại sự kiện này, các biện pháp tháo ngòi “bom nợ” sẽ là một chủ đề chính được các nhà chức trách mang ra bàn thảo.

Tuần tới là tuần kết thúc quý 2 và cũng là thời điểm nhiều công ty kinh doanh vàng kết thúc năm tài khóa. Bởi vậy, hoạt động giao dịch có thể bị hạn chế.

Còn theo ông Charles Nedos, chiến lược gia trưởng thị trường của công ty Olympus Futures, đồng USD có thể tiếp tục mạnh trong tuần tới, theo đó gây sức ép giảm giá đối với vàng và các hàng hóa cơ bản khác. Tuần này, tỷ giá Euro/USD chốt tuần ở mức dưới 1,26 USD/Euro, từ mức 1,26 USD/Euro vào tuần trước.

Tuần này, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã mua 3 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên 1.281,6 tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 4 tới nay.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.