Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo trước Quốc hội cho biết, tổng giá trị tồn kho ước tính khoảng 40.750 tỷ đồng.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về số lượng bất động sản tồn kho, giải pháp “phá băng” thị trường bất động sản cũng như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng; trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay có nhiều cơ quan, nhiều tổ chức đánh giá về tồn kho bất động sản nhưng chưa có tiêu chí thống nhất nên số liệu khác nhau. Bộ Xây dựng với trách nhiệm quản lý kinh doanh bất động sản đã yêu cầu các Sở Xây dựng báo cáo theo các tiêu chí: Căn hộ đã hoàn thành, nhưng chưa bán được; căn hộ đã đủ điều kiện huy động vốn, đã xong móng, chủ đầu tư đã mở để bán nhưng chưa ký được hợp đồng; căn hộ thấp tầng đã hoàn thành nhưng chưa bán được; đất nền đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật được phép bán nền nhưng chưa bán được; diện tích, văn phòng trung tâm thương mại mới hoàn thành nhưng chưa có người thuê.

Theo số liệu chưa đầy đủ của 44 tỉnh, thành phố tính đến ngày 30/8 thì căn hộ chung cư tồn kho 16.469 căn, trong đó Hà Nội có 2.392 căn và thành phố Hồ Chí Minh có 10.108 căn. Nhà ở thấp tầng là 5.176 căn, đất nền 1.624.878 m2, văn phòng trung tâm thương mại là 25.870 m2. Tổng giá trị tồn kho ước tính khoảng 40.750 tỷ đồng.

Đó là chưa tính những dự án hoặc các sản phẩm dở dang, đã có người góp vốn, đã có đầu tư nhưng thiếu vốn để đầu tư tiếp; đất nền của những khu công nghiệp mà nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng đã đầu tư.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh thị trường bất động sản của Việt Nam còn non trẻ. Năng lực, kinh nghiệm của những nhà quản lý bất động sản, cả quản lý nhà nước và những nhà kinh doanh bất động sản còn rất hạn chế.

Vấn đề kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhiều cấp nên việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản yêu cầu phải có một giải pháp đồng bộ. Trách nhiệm của các Bộ, các ngành và địa phương cùng quan tâm tháo gỡ. Ngoài ra còn có quyết tâm của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, việc phá băng bất động sản phải từng bước tháo gỡ.

“Thị trường bất động sản còn khó khăn sẽ ảnh hưởng nợ xấu nên cần phải quyết tâm rất cao và chắc chắn thị trường sẽ ấm lên cùng với sự hồi phục của nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, tổng tồn kho xi măng 2,9 triệu tấn, bằng khoảng 16 – 17 ngày sản xuất. Tồn kho vật liệu xây dựng khác như gạch nung tồn kho khoảng 2 tháng sản xuất, gạch ceramic tồn kho khoảng 2 tháng sản xuất, kính xây dựng 3 tháng sản xuất và hiện đang giảm công suất.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng phải giải quyết được nguồn vốn đầu tư, làm thế nào để nguồn vốn đã có được đưa vào các công trình, dự án. Cùng với đó là dỡ bỏ những rào cản, đặc biệt là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng để thực hiện nhanh các dự án ODA, FDI, những dự án của các doanh nghiệp đầu tư.

Ngoài ra, khuyến khích sử dụng vật liệu trong nước thay thế vật liệu nhập khẩu, từ đó giảm lượng tồn kho, đồng thời góp phần giảm nhập siêu./.

Theo Ngọc Thành (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.