Như nhiều số báo Hànộimới đã thông tin, thời vụ cấy lúa xuân 2014 vừa kết thúc, song trên địa bàn một số quận, huyện của Hà Nội vẫn có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, khiến không ít người xót xa cho những "tấc vàng" một thời.

Nhiều diện tích đã bỏ hoang từ 4 đến 5 năm không sản xuất, nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa có phương án giải quyết hiệu quả. Tình trạng nông dân bỏ ruộng xảy ra nhiều nhất tại các huyện ven đô, nơi "cơn lốc" đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh.

Hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp bỏ hoang

Trong khi nhiều huyện, thị xã đã hoàn thành cấy lúa xuân thì trên các cánh đồng của huyện Từ Liêm, nhiều thửa ruộng vẫn chưa được làm đất, có nơi ruộng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Tại cánh đồng xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm), mặc dù có vị trí khá thuận lợi, nằm ngay trục giao thông chính, sát các khu đô thị, nhưng không có mảnh ruộng nào được cấy lúa, trồng rau màu. Bà Nguyễn Thị Khang, đội 11, thôn Thị Cấm, xã Xuân Phương cho biết: Do nằm xen kẽ các khu đô thị, hệ thống kênh mương bị phá vỡ, mùa mưa không tiêu được nước, mùa khô ruộng đồng nứt nẻ, không trồng được cây gì. Gia đình bà có hơn 1 mẫu ruộng đã bỏ hoang 4 năm nay. "Từ trước tới giờ, gia đình chỉ biết cấy lúa, làm màu; mang tiếng là có đất sản xuất nhưng không thể canh tác được, tôi phải đi làm thuê, bốc vác, phụ hồ vất vả lắm. Nhìn ruộng đồng bỏ hoang tiếc lắm, song nếu có muốn làm cũng không được" - Bà Khang than vãn. Theo ông Phạm Đăng Thình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Từ Liêm, dù chưa có thống kê chính xác nhưng số diện tích ruộng xen kẹt trong các khu đô thị, công nghiệp rất khó sản xuất, người dân bỏ hoang cũng lên tới hàng trăm héc ta, tập trung ở các xã Đại Mỗ, Tây Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh…

Tương tự, tại huyện Hoài Đức, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang cũng lên tới con số vài chục héc ta. Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung Đinh Văn Thi cho biết: "Vụ xuân năm 2014, xã còn gần chục héc ta bỏ hoang. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống thủy lợi, tiêu úng bị phá vỡ do các dự án đô thị xung quanh. Để vận động nhân dân đóng góp hay xin kinh phí của huyện Hoài Đức hoàn thành hệ thống kênh mương là rất khó, bởi theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội, đến năm 2015, Kim Chung không còn đất sản xuất nông nghiệp. Với tâm lý chờ đền bù, người dân cứ bỏ ruộng cho cỏ mọc". Ngoài ra, qua tìm hiểu của chúng tôi, tại các huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Phúc Thọ... cũng có hàng chục héc ta đất nông nghiệp xen kẹt, đồi gò, vùng trũng bỏ hoang nhiều năm không sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố có gần 5.000ha đất nông nghiệp bỏ hoang, chủ yếu là đất lúa xen kẹt giữa các khu đô thị, khu công nghiệp, những nơi có hệ thống giao thông, thủy lợi bị phá vỡ, không đủ điều kiện sản xuất.


Bỏ ruộng vì chi phí sản xuất cao

Dạo quanh các xã của huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng… tìm hiểu tâm tư của người dân mới thấy, phần lớn nông dân bỏ ruộng không phải vì lý do không có nước, úng ngập… mà là do… chán ruộng! Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Đại Tự, xã Kim Chung cho biết, gia đình chỉ còn hơn 2 sào ruộng, bỏ không cấy. Mấy năm trước còn thuê cấy, song công cấy ngày một cao nên hai năm nay gia đình bỏ ruộng. Bà Hồng than: "Làm 1 sào ruộng đầu tư hơn 1 triệu đồng, chỉ thu được khoảng 2 tạ thóc, với giá 6.500 đồng/kg thóc, tính ra không được là bao, làm để làm gì?".

Khảo sát mới đây của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, bình quân mỗi hộ dân có quy mô 3,72 khẩu, được giao khoảng 5,5 sào ruộng, thu được khoảng 22 triệu đồng/năm. Với mức thu này, trừ chi phí thuê làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gặt, tuốt lúa, chỉ còn hơn 10 triệu đồng/năm. Tình trạng nông dân bỏ ruộng chủ yếu là trên diện tích đất hai vụ lúa/năm hoặc hai vụ lúa, một vụ màu/năm. Thêm vào đó tình trạng "già hóa" lao động tại nông thôn do thanh niên bỏ làng ra thành phố lao động cũng là một nguyên nhân. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến cho biết, với những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hoài Đức, đa phần người trong độ tuổi lao động đều đi làm thuê trong các khu công nghiệp. Tại các xã có làng nghề, do làm nghề cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa nên nông dân không mặn mà với cây lúa.

Cần có cơ chế đặc thù

Câu chuyện nông dân bỏ ruộng không chỉ có ở Hà Nội mà diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất nông nghiệp không đủ thu nhập để các hộ gia đình ổn định cuộc sống. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, cần thiết phải duy trì quỹ đất lúa vì lợi ích trước mắt và lâu dài, nhưng trên đất lúa bà con có thể chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những diện tích đất xen kẹt, không thể sản xuất, TP Hà Nội cần có chính sách cụ thể giúp người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển sang làm dịch vụ và các hoạt động buôn bán, kinh doanh khác cho hiệu quả.

Nếu không sớm giải quyết bài toán nông dân bỏ ruộng, nguy cơ mất an ninh lương thực sẽ hiển hiện trước mắt, Hà Nội sẽ mất nguồn kinh phí không nhỏ để nhập lương thực, thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp Việt Nam, với tốc độ dồn điền, đổi thửa xây dựng NTM hiện nay, việc đưa cơ giới hóa, giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất là không khó. Muốn vậy, Hà Nội cần xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách sát thực tế, gắn với nhu cầu người dân, tránh tình trạng chính sách chỉ có giá trị trên giấy.
Đỗ Minh - Hoàng Sơn (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.