Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về phát triển, quản lý nhà tái định cư. Theo đó Nhà nước sẽ mua lại nhà thương mại trên thị trường để thực hiện chương trinh tái định cư. Tuy nhiên, với mức giá mua lại nhà thương mại được thể hiện trong tờ trình, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại người dân sẽ không thể tiếp cận được với những căn hộ tái định cư này bởi giá sẽ cao hơn cả những căn hộ thương mại!

Căn hộ thương mại của công ty Nam Long chỉ 600 triệu đồng/căn.

Nhiều câu hỏi khác cũng được đặt ra là cơ chế mua bán như thế nào để tránh tình trạng xin cho? Quá trình thực hiện ra sao để đảm bảo sự công bằng? Đối tượng, loại dự án loại nào thì được Nhà nước mua?...

Đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp 15%

Theo bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2015, cả nước cần khoảng 17,9 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất xây dựng công trình cho các mục đích nêu trên. Do vậy, nhu cầu cần nhà tái định cư là rất lớn.

Để đáp ứng nhu cầu trên, theo dự thảo nghị định của bộ Xây dựng trình Chính phủ, Nhà nước sẽ chủ động chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà ở tái định cư và có các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở tái định cư. Tại khu vực đô thị, cần hạn chế đầu tư xây dựng các dự án tái định cư riêng lẻ mà giải quyết theo hướng tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, mua các căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới để bố trí tái định cư.

Để luật hoá việc Nhà nước mua nhà thương mại làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, tại dự thảo nghị định này, bộ Xây dựng đề xuất cụ thể như sau: chủ đầu tư dự án tái định cư phải lập phương án mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư, trong đó nêu rõ địa điểm mua, số lượng, dự kiến giá mua, tiến độ bàn giao, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Về giá mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư được xác định theo nguyên tắc: trường hợp đất xây dựng nhà ở do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc đất do Nhà nước đã bồi thường thì giá mua nhà ở bao gồm chi phí đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 15%; trường hợp đất xây dựng nhà ở do chủ đầu tư tự bồi thường thì giá mua nhà ở bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 10%; trường hợp chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì giá mua nhà ở bao gồm cả tiền sử dụng đất.

Cách đây không lâu, trả lời thắc mắc của chúng tôi, rằng khi Nhà nước mua lại nhà thương mại làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, thì những dự án nào sẽ được mua và quá trình mua bán liệu có nảy sinh cơ chế xin – cho hay không..., một lãnh đạo bộ Xây dựng yêu cầu “nhà báo đừng nên suy diễn”. Theo vị lãnh đạo này nói, việc Nhà nước mua lại một số quỹ nhà ở của các doanh nghiệp để phục vụ cho các mục đích nêu trên là việc làm hết sức bình thường.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết các địa phương tuỳ theo nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà tái định cư mà quyết định. Bộ Xây dựng cũng đang xem xét mua lại một số dự án có giá bán từ 15 – 17 triệu đồng/m2 nhằm phục vụ mục đích an sinh xã hội và phục vụ các nhu cầu nhà ở của cơ quan nhà nước…

Đừng chỉ vì một số doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị về nội dung tờ trình này, ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành nói thẳng: “Với những đề xuất như trong nghị định của bộ Xây dựng, thì chủ trương Nhà nước mua lại căn hộ thương mại tái định cư sẽ là một động tác thừa, tốn công sức, tiền bạc nhưng không đem lại hiệu quả. Lý do: giá nhà tái định cư cấu thành sẽ rất cao, thậm chí cao hơn cả các dự án nhà ở thương mại đang bán trên thị trường”.

Cụ thể, ông Đực phân tích, với chi phí xây dựng 7,2 triệu đồng/m2 (theo suất đầu tư bộ Xây dựng quy định), diện tích kinh doanh 70% nên chi phí xây dựng căn hộ là 10 triệu đồng/m2; cộng thêm tiền bồi thường đất, chi phí đầu tư hạ tầng (điện, cấp thoát nước, công viên, trường học…) khoảng 4 triệu đồng/m2, lãi vay ngân hàng 1 – 2 triệu đồng/m2... thì giá thành căn hộ tái định cư, nhà ở xã hội khoảng 15 – 16 triệu đồng/m2. Trong khi trên thị trường TP.HCM hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang bán nhà thương mại với giá khoảng từ 12 – 13 triệu đồng/m2. Điển hình như dự án Ehom3 của công ty phát triển nhà Nam Long bán với giá 12 triệu/m2, hỗ trợ lãi suất 0%; dự án của công ty Lê Thành: 13 triệu/m2; dự án của công ty Hoàng Quân: 12 triệu/m2…
Đồng quan điểm với ông Đực, giám đốc một công ty bất động sản khác cũng cho rằng, nếu chỉ vì muốn cứu một số doanh nghiệp mà đưa ra mức giá mua cao là không ổn. Không những không ổn về giá mua nhà thương mại, giá bán nhà tái định cư mà còn không ổn về quy trình và kinh phí thực hiện.

Cụ thể, theo nội dung của dự thảo nghị định, bộ Xây dựng mua lại dự án của doanh nghiệp để làm nhà ở xã hội thì phải có một tổ chức thực hiện mua bán, phải có nguồn tài chính lớn; phải có quy trình xét duyệt dự án nào được mua, được bán… “Hậu quả là khi Nhà nước bán lại cũng phải bán với giá cao nên hầu như không người thu nhập thấp nào có khả năng mua. Chẳng hạn, tại Hà Nội, nhà thu nhập thấp đã xây dựng xong nhưng diện tích lớn, giá cao không phù hợp với nhu cầu và khả năng của người thu nhập thấp nên bán không ai mua”, giám đốc công ty bất động sản trên dẫn chứng.

Tuy nhiên, một số ý kiến tán đồng với chủ trương Nhà nước mua lại căn hộ làm nhà tái định cư. Bởi Nhà nước, thay vì đầu tư xây dựng, có thể mua, miễn sao sản phẩm phù hợp với các nhu cầu của Nhà nước, địa phương và với giá cả phù hợp. Vấn đề là cần thực hiện một cách minh bạch, công khai để tránh tình trạng chạy chọt, xin cho. Và chỉ có vậy, tiền thuế của dân mới được sử dụng đúng mục đích, và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động làm nhà xã hội

Sau khi phân tích những bất hợp lý trong dự thảo nghị định của bộ Xây dựng trình Chính phủ, ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành kiến nghị: Nhà nước cho phép doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội (kể cả nhà tái định cư) theo phương thức thương mại, được hưởng các chỉ tiêu của nhà ở xã hội như hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình, dân số, diện tích tối thiểu (cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ 20 – 25m2)... Khi đó doanh nghiệp sẽ chủ động tiết kiệm chi phí, xây dựng thấp hơn suất đầu tư của bộ Xây dựng, có thể chấp nhận lỗ chi phí hạ tầng để bán ra với giá rẻ từ 10 – 13 triệu đồng/m2, phù hợp với khả năng của đa số người dân có thu nhập thấp.

“Đây là giải pháp thực hiện nhà ở xã hội nhanh và hiệu quả nhất. Doanh nghiệp chủ động bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu, giải quyết được đầu ra, người dân có nhu cầu được mua nhà giá rẻ. Nhà nước không cần phải lập một tổ chức để xét dự án mua, xét đối tượng bán, không cần nguồn tài chính lớn để mua lại các dự án của doanh nghiệp mà có khi lại không bán được”, ông Đực nhấn mạnh.

Theo Tùng Quang (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.