Tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, hàng trăm căn nhà xây dựng không phép đã và sẽ bị tháo dỡ.

Đi kèm theo đó là những lời than vãn, trách cứ, thậm chí là đe dọa dùng bạo lực của các “nạn nhân”; là thông tin kỷ luật những cán bộ đã buông lơi hoặc tiếp tay cho sai phạm hoành hành trong thời gian dài.

Diễn biến của đợt cưỡng chế rầm rộ này cũng hệt như các trường hợp vi phạm có quy mô lớn trước đây, không chỉ ngay Bình Chánh mà còn ở nhiều nơi khác. Quận Tân Bình (cũ) từng đập bỏ hơn trăm căn nhà nằm trong diện tích đất quy hoạch cây xanh; quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn… từng buộc dỡ bỏ cả ngàn căn nhà mọc trên đất nông nghiệp. Riêng đối với nhà sai phép thì “ấn tượng” nhất vẫn là vụ hơn chục căn nhà to đùng xây lố tầng ở khu trung tâm quận 1. Để chứng minh “nhà nghèo, giàu gì cũng đều bị xử lý như nhau nếu làm không đúng quy định”, cả bộ máy “hùng hục” lao vào vụ này với quyết tâm “cắt ngọn” bằng được nhưng kết quả thế nào thì không nhiều người rõ.

Khi pháp luật luôn yêu cầu “xây dựng nhà ở phải xin phép, lúc thi công phải thực hiện đúng với giấy phép”, thì dù “xót xa, đau đớn” cho những người trong cuộc cỡ nào cũng không ai đủ lý lẽ để phản đối các cách xử lý nêu trên của chính quyền.

Thế nhưng loại trừ những nguyên nhân rất dễ nhận thấy liên quan đến nhu cầu chỗ ở, công tác quy hoạch sử dụng đất, năng lực cán bộ… thì vẫn phải nhìn ra thêm một lý do về chính sách khiến nhà trái phép (bao gồm không phép và sai phép) tồn tại dai dẳng. Đó là Nhà nước đã nhiều lần nhượng bộ và từ đó cứ phải chạy theo sau giải quyết hậu quả.

Tạm lấy ngày 1-7-2004 - là thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành - làm mốc đầu tiên. Cho rằng “do chưa có luật nên người dân mới vi phạm”, pháp luật đồng ý xí xóa cho những trường hợp lỡ xây nhà trái phép trước 1-7-2004. Căn cứ vào đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 39/2005 “tha bổng” nhiều nhà trái phép trước 1-7-2004, những trường hợp vi phạm sau đó mới buộc phải tháo dỡ. Theo đó, Nghị định số 90/2006 của Chính phủ chỉ quy định việc cấp giấy chứng nhận cho nhà trái phép trước 1-7-2004.

Ngặt nỗi nhà trái phép vẫn tràn lan và chính quyền vẫn không xử lý xuể. Thế là 1-7-2004 đã không thể là mốc duy nhất như dự tính. Đã có sự gia hạn lần hai với mốc thời gian là 1-7-2006, ngày Luật Nhà ở có hiệu lực. Để phù hợp với luật này, Nghị định 88/2009 chỉ quy định việc cấp giấy chứng nhận cho nhà trái phép trước 1-7-2006. Phía UBND TP.HCM cũng có Quyết định 54/2007 khẳng định chỉ cấp giấy chứng nhận cho nhà trái phép sau ngày 1-7-2006 với điều kiện vi phạm đã được xử lý và được thực hiện xong.

Tưởng vậy là xong nhưng rồi lại có sự gia hạn với mốc 1-5-2009. Đây là thời điểm Nghị định 23/2009 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…) có hiệu lực thi hành. Khi ban hành Thông tư hướng dẫn số 24/2009, Bộ Xây dựng đã lấy mốc này để làm căn cứ xử lý những công trình vi phạm trước đó mà chưa được xử lý dứt điểm. Điều 15 của thông tư này cho phép nhà phù hợp quy hoạch được giữ nguyên phần diện tích vi phạm (không phải tháo dỡ). Sự chỏi nhau giữa mốc này với hai mốc kia càng cho thấy pháp luật đã chọn cách “tụt lùi” để hợp thức hóa vi phạm như thể không còn cách nào khác hơn! Đến giờ sau nhiều năm tỏ ra rất quyết liệt nhưng chính quyền vẫn chưa thể chắc nịch về điểm dừng, mấy ai dám quả quyết sẽ không có thêm các mốc “ân xá” mới?

Căn nhà là tài sản lớn của số đông nên việc phá dỡ là điều tối kỵ mà muốn vậy thì chính quyền phải ngăn chặn ngay từ lúc chủ nhân có ý định đào móng, cuốn nền. Dẫu sự thể thế nào thì vẫn phải thống nhất với nhau rằng việc xử lý nghiêm các vụ xây dựng trái phép là để giữ vững trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng. Nếu cứ tiếp tục nhân nhượng, làm không đến nơi đến chốn thì sẽ lặp lại những tổn hại rất lớn về tiền của của người dân lẫn uy tín của chính quyền.

Nguyễn Thi (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.