Tại hội thảo về chủ đề khơi thông thị trường bất động sản được tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cho biết, giảm giá để bán hàng là lối thoát khả thi nhất trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khó có thể giảm giá thêm nữa khi giá đã chạm đáy, giảm giá nữa cũng có nghĩa là tự sát.

Bất động sản đóng băng, nhiều dự án ngưng xây dựng. Ảnh: Tùng Quang

Trong khi đó, thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho rằng doanh nghiệp nên tự cứu mình. “Cuộc khủng hoảng của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay do phát triển không có kế hoạch, thiếu kiểm soát dẫn đến mất cân đối nguồn lực tài chính, không sử dụng vốn đúng mục đích, thiếu nghiên cứu thị trường. Do vậy, bây giờ doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, xây dựng lại chiến lược giá thành phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân”, ông Nam nói.

Ông Lê Hùng (tổng giám đốc công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai):

Giảm giá là lối thoát tốt nhất

Doanh nghiệp không thể ngồi chờ vào những chính sách của Nhà nước. Việc xác định lại định hướng kinh doanh, cơ chế kinh doanh, giảm giá bán sản phẩm để có thể thu hồi vốn, giảm bớt áp lực từ tiền vay ngân hàng là giải pháp khả thi nhất của doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng giảm giá bán sản phẩm được mà chỉ nhà đầu tư nào có thực lực, chuyên nghiệp thì mới có thể đưa giá bán thấp hơn. Trước đây khi thị trường sôi động thì nhà nhà, người người mua đất làm dự án, vì không có chuyên môn, không có trình độ nên tất tật phải thuê, khâu nào cũng thuê, dẫn đến giá nhà đất bị đẩy lên cao. Theo tôi, thị trường khó khăn như thế này cũng là cơ hội tốt để sàng lọc những nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Ông Trần Kim Chung (chủ tịch tập đoàn C.T Group):

Giá bị đẩy cao nên phải giảm

Nếu dự án nào trước đây được bán ra đúng với giá trị thật hoặc chênh lệch một chút để kiếm lời thì bây giờ dù thị trường khó khăn, không bán được sản phẩm, dù lãi suất ngân hàng đè nặng, doanh nghiệp cũng khó có thể bán giá thấp so với tổng giá trị đầu tư. Vấn đề đặt ra là, nhiều dự án được tuyên bố giảm giá nhiều phần trăm nhưng giảm là giảm thế nào? Sẽ chẳng có doanh nghiệp nào dám bán khi sản phẩm đó lỗ nặng. Hầu hết các dự án giảm giá hiện tại là do trước đó giá đã bị đẩy lên cao. Ví như khoảng cách giữa quận 1 và quận 3 không bao nhiêu, chất lượng tương đương nhau nhưng có dự án ở quận 3 chỉ bán khoảng 90 triệu đồng/m2 trong khi cách đó “vài bước chân”, nhiều dự án đã bán giá gấp đôi.

Ông Đoàn Chí Thành (giám đốc công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn):

Ôm sẽ chết nhưng bán không ai mua

Hiện nay nhiều doanh nghiệp xoay xở đủ cách, dùng mọi phương thức bán hàng miễn là có tiền để trả lãi suất, để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Phương thức giảm giá bán căn hộ đến mức thấp nhất, có lời chút ít, hoà vốn, thậm chí lỗ trong phạm vi chịu đựng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, với tâm lý e dè và cắt giảm chi tiêu của khách hàng hiện nay thì dù có giảm giá đến mức không thể giảm được nữa, doanh nghiệp vẫn khó bán hàng. Bản thân tôi đang phân phối nhiều dự án chỉ có giá từ 12 – 13 triệu đồng/m2, với giá này, ở những vị trí như Tân Bình, Tân Phú, cộng với việc căn hộ này đang chuẩn bị bàn giao nhà, tức là doanh nghiệp phải tính kinh phí đầu tư từ nhiều năm trước… thì giá cũng gần như đã chạm đáy nhưng không phải dễ bán.

Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.