Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam, mặc dù chưa ồ ạt nhưng thị trường đang đón nhận những tín hiệu khởi sắc, ngân hàng bắt đầu “mở hầu bao” cho vay bất động sản, thị trường bắt đầu có giao dịch, đặc biệt là phân khúc chung cư, đất nền trị giá từ 1,5 tỷ đồng- 2 tỷ đồng/sản phẩm.

Giá bất động sản đã “chạm đáy”?

‘Tín hiệu” khởi sắc ở thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang rất khác nhau.

Tại Hà Nội, khu vực trung tâm vẫn giữ nguyên giá, có xuống chút ít và giao dịch có ít đi.


Các dự án bất động sản trong khu vực ngoài vành đai 3 gần như “đóng băng” cuối năm 2011 nay bắt đầu có giao dịch trở lại. Phân khúc thị trường phù hợp với người tiêu dùng, giá trị sản phẩm từ 1,5- 2 tỷ đồng đối với căn hộ hoặc đất nền được nhiều người quan tâm.


Giá bất động sản thị trường Hà Nội đã xuống tới 30% - 40% ở những khu vực hạ tầng còn chưa hoàn thiện, xa trung tâm. Những dự án có vị trí đắc địa, “ăn theo” hạ tầng đã được hoàn thiện hầu như vẫn giữ được giá và chỉ giảm chút ít.


Trong khi đó, giá bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đã “chạm đáy”. Thị trường ghi nhận những đợt giảm giá sâu của 80% các dự án, giá bán hiện đã cận kề với suất đầu tư ban đầu của chủ đầu tư.


“Đây là cơ hội rất tốt cho người tiêu dùng và rủi ro cho nhà đầu tư, dự án đó hoàn toàn có thể bị lỗ nếu bán ở mức giá đó”, ông Phan Thành Mai khẳng định.


Đồng quan điểm này, GS.TS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng nếu người tiêu dùng tiếp tục chờ đại hạ giá hay vỡ thị trường thì điều đó sẽ không xảy ra.


Theo ông Võ thì ở thời điểm này, người mua đầu cơ có thể còn phải cân nhắc về giá còn những người mua có nhu cầu tiêu dùng thực sự thì thời điểm này là thích hợp. “Những chỗ đảm bảo điều kiện thuận lợi, phong thủy tốt… sẽ không giảm giá hơn nữa nên mua lúc này hay chờ lúc khác cũng vậy thôi. Giá nhà sẽ chỉ giảm với nhưng nơi thiếu các yếu tố thuận lợi cho môi trường sống và làm việc”, ông Võ khẳng định.


Dưới góc độ “người trong cuộc”, ông Trịnh Văn Quyết- TGĐ tập đoàn FLC cho rằng biên độ giảm giá các dự án đã có phần chậm lại trong mấy tháng gần đây và đặt trong tổng thể các yếu tố tác động đến thị trường thì giá BĐS sẽ khó có thể giảm sâu hơn nữa.


Như vậy, ngoại trừ những diễn biến thực sự tích cực đối với thị trường (như lãi suất cho vay giảm mạnh, CPI giảm xuống dưới 10%, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư hoặc tung ra những gói cứu trợ mới, v.v…) thì giá BĐS thời gian tới được dự báo là sẽ vẫn dao động quanh mốc được xác lập hiện nay.


Nhận định thị trường sẽ có khởi sắc vào cuối năm nay, nhiều chủ đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án để có thể “đón đầu” những cơ hội mới, khi thị trường phục hồi.


Ông Trần Mạnh Hà- Phó tổng giám đốc công ty CP bất động sản AIC- chủ đầu tư dự án KĐT mới AIC- Tiên Phong- Mê Linh cho biết trong khi các dự án xung quanh vẫn “án binh bất động” thì đơn vị này nỗ lực ngày đêm để tập trung giải phóng mặt bằng, san lấp, làm hạ tầng theo hình thức “cuốn chiếu”.


Khu đô thị mới AIC sẽ là khu đô thị lớn nhất phía Bắc thành phố và AIC đang đặt mục tiêu hoàn thành hạ tầng 30% diện tích dự án ngay trong quý 4.2012.


Theo các chuyên gia bất động sản thì đất nền phía Tây thành phố đã bị “thổi giá” lên rất cao do yếu tố quy hoạch, song đất nền khu vực Mê Linh, chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 25km vẫn ở mặt bằng chung là thấp, chưa bị “làm giá”. Do vậy, nếu như tiềm lực tài chính vững mạnh cộng với tiến độ triển khai dự án nhanh chóng để sớm có sản phẩm dưa ra thị trường thì các chủ đầu tư dự án ở khu vực này vẫn có nhiều cơ hội.


Thị trường sẽ có những “gương mặt mới”


Sau một thời gian chống chọi với cơn bão khung hoảng, đến thời điểm này, các chủ đầu tư đã có những giải pháp để cầm cự. Giải pháp phổ biến nhất giãn tiến độ, thậm chí tạm dừng triển khai dự án để cắt giảm chi phí và cắt lỗ, chờ những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế.


Một số chủ đầu tư không chịu được sức ép trả nợ ngân hàng đã buộc phải bán lại dự án cho những nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính.


Làn sóng “sang tên, đổi chủ” các dự án được dự báo sẽ rất rầm rộ ngay trong quý 2.2012.


Theo ông Phan Thành Mai thị trường đang là cơ hội cho những nhà đầu tư có tài chính và quản trị tốt. Trong khó khăn, “làng doanh nhân bất động sản” đang tự “thanh lọc” những doanh nghiệp yếu và “trả lại” thị trường những gương mặt mới, một lớp nhà đầu tư bất động sản kinh doanh có chiến lược bài bản hơn, trí tuệ hơn.


Lớp nhà đầu tư mới rất có thể sẽ có nhiều “những gương mặt FDI” bởi theo GS Đặng Hùng Võ thì các nhà đầu tư nước ngoài đang nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đang rất nhiều cơ hội tốt.


Ông Võ cho rằng thêm DN nước ngoài, tính cạnh tranh của thị trường sẽ tốt hơn, các nhà đầu tư trong nước sẽ có thêm đối trọng, thêm áp lực nhưng cũng sẽ có những thuận lợi và là dấu hiệu tốt cho thị trường.
Theo PLVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.