Thời gian qua, sau hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trong quý II-2012, thị trường BĐS đã sôi động hơn với một số giao dịch. Nhưng, theo các nhà đầu tư, thực tế thị trường vẫn rất khó khăn và trầm lắng, thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã bắt buộc phải bán tháo dự án để gỡ vốn.
Theo các chuyên gia, đây là cơ hội tốt cho người dân mua được những căn hộ phù hợp với giá cả hợp lý Ảnh: T.L
Giá BĐS vẫn ở mức thấp
Quý I-2012 ghi nhận, tình hình giá BĐS vẫn ở mức chạm đáy. Nhiều chủ đầu tư cạn nguồn vốn, 350 sàn giao dịch BĐS đều vắng khách, dù có rục rịch trở lại trong tháng 3-2012. Giá BĐS ở các phân khúc (thương mại, nhà ở, nghỉ dưỡng...) đều tiếp tục giảm giá từ 20%-40%. Thậm chí, có những dự án nhà đất đã giảm tới 50%. Các nhà đầu tư ngắn hạn rút lui, thay thế bằng nhà đầu tư dài hạn. Việc thiếu hụt nguồn vốn khiến nhiều dự án lớn bị tạm ngưng hoặc giãn tiến độ thi công. Ví dụ cụ thể hơn, về thị trường biệt thự và nhà liền kề Hà Nội, theo ông John Gallander, Giám đốc Savills Hà Nội, trong quý I, tình trạng giá giảm ghi nhận ở hầu hết các dự án và tiếp tục có xu hướng giảm. Báo cáo thị trường BĐS Hà Nội quý I-2012 của Savills Việt Nam cũng cho biết, giá đất biệt thự, liền kề đã giảm thêm khoảng 20% so với quý IV-2011.
Bởi thế, để gỡ rối cho thị trường BĐS, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hàng loạt chính sách, giải pháp thiết thực, như: nới lỏng tín dụng BĐS, nới lỏng hầu hết đối tượng cho vay BĐS và NHTM được cơ cấu lại nợ BĐS, giảm trần lãi suất huy động vốn, gói cứu trợ doanh nghiệp... Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào một thị trường khả quan hơn trong quý II. Nhưng thực tế diễn biến thời gian qua lại đang chứng minh điều ngược lại, dù quả thật thị trường có ấm lên với thêm một số giao dịch. Bằng chứng là, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS đã bắt buộc phải giảm giá bán, kết hợp nhiều chiêu khuyến mại hoặc chấp nhận báo tháo, chuyển nhượng dự án, chấp nhận lỗ để giảm lượng hàng tồn, giảm áp lực nợ và gỡ vốn.
Cơ hội cho người mua
Trái ngược với trạng thái "nằm trên lửa” của người bán, việc giá BĐS chạm đáy lại mở ra nhiều cơ hội cho người dân có nhu cầu thực về nhà ở. Ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng: giá BĐS đang ở mức thấp nhất trong mấy năm qua. Những diễn biến gần đây của thị trường cũng minh chứng cho một cơ hội tốt để người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm nhà phù hợp với nhu cầu và giá cả phải chăng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cũng đánh giá, thị trường BĐS đang trở về với giá trị thực của nó, giá trị ảo đang dần mất đi. So với cách đây vài năm, việc mua đất, mua nhà đã trở nên dễ dàng hơn, với mức giá hợp lý. Trước đây, khi thị trường phát triển mạnh, vì lợi nhuận, các doanh nghiệp, nhà đầu tư không quan tâm tới nhu cầu thực của người tiêu dùng, chú trọng phát triển căn hộ cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu nhà ở. Thì nay, để tháo gỡ khó khăn, khôi phục niềm tin của khách hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư bắt buộc phải tự cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, kiện toàn bộ máy để đưa ra những chiến lược phù hợp hơn, sát với nhu cầu thị trường và hướng tới vì quyền lợi thực sự của những người dân chưa có nhà ở.
Anh Nguyễn Hoàng Hà (người mua nhà) cho biết, sau một thời gian tìm hiểu về thị trường, anh quyết định "rút vốn” mua nhà, bởi quả thực, đây đang là cơ hội "vàng” với người dân có nhu cầu nhà để ở. Nhất là, sau hàng loạt chính sách vực dậy thị trường BĐS thời gian qua, nếu không mua nhà bây giờ, có thể thị trường sẽ lại phục hồi nhanh chóng và mức giá bán ra lại... cao ngất ngưởng!
Tuy nhiên, về phía các nhà đầu tư (có khả năng mua) lại đang mang một tâm lý khá dè dặt và thận trọng. Dù rằng, nguồn cung thị trường đang dồi dào với giá rẻ nhưng nhà đầu tư không mấy mặn mà với cơ hội này, mà vẫn chờ đợi, nghe ngóng. Điều này không phải vô lý, bởi thực chất, đầu tư lúc này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.